Bài 7: “NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM” – ĐÚNG SỨ MỆNH, TẦM NHÌN

Doanh nghiệp sau khi viết ra Bộ tứ tài liệu: “Sứ mệnh – Tầm nhìn – Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi”, đã truyền đạt cho nhân viên nhưng nhiều người vẫn không tuân thủ. Vậy cần phải tập trung Kaizen điều gì để mọi người tuân thủ thực hiện? Tôi xin gới ý 1 số cách sau:

1. Các CEO/ Chủ doanh nghiệp cần xem lại việc truyền đạt của mình thế nào, khiến cho nhân viên không tuân thủ. Nghĩa là chúng ta đã truyền nhưng chưa đạt, hoặc đã truyền nhưng chưa thông. Các bạn hãy cải tiến việc truyền đạt hoặc đa dạng cách thức truyền đạt.

Ví dụ: những Doanh nghiệp có tổ chức những ngày lễ lớn, lễ truyền thống hàng năm, các bạn có thể thiết lập các chương trình văn nghệ, soạn những bản nhạc/ tiểu phẩm có liên quan đến Bộ Tứ tài liệu. Hoặc tổ chức chương trình hái hoa dân chủ, thi đua, ai là người giải thích được Bộ tứ tài liệu. Đây chính là đa dạng cách thức truyền thông ngoài những cách tôi đã nêu ở bài trước.

2. Các CEO/ Chủ doanh nghiệp và quản lý cấp trung có gương mẫu thực hiện đúng những điều đã ghi trong “Sứ mạng – Tầm nhìn – Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi” chưa?. Tức là chúng ta “Nói có đi đôi với làm” không? Nếu  không, chắc chắn nhân viên sẽ không tuân thủ. Là lãnh đạo, chúng ta phải gương mẫu thực hiện trước.

3. Các CEO/ Chủ doanh nghiệp cải tiến cách thức khen ngợi để thúc đẩy việc tuân thủ Bộ tứ tài liệu.

Ví dụ: Khi khen ngợi ai, các bạn hãy nêu rõ hoạt động gì của nhân viên đã tương đồng với những điều ghi trong Bộ tứ tài liệu. Hoặc khi các bạn xử phạt ai về những điều gì đó không tốt, các bạn hãy nêu rõ các kết quả, các hoạt động nào của họ đã vi phạm điều gì nêu trong Bộ tứ tài liệu. Như vậy sẽ thúc đẩy mọi người có kỷ luật tuân thủ. 

4. Đối với Doanh nghiệp vừa và nhỏ, “Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi” hãy tập trung tối đa 3 “yếu tố cốt lõi” cho mỗi thứ mà thôi.

Tôi thấy nhiều doanh nghiệp có “Sứ mệnh – Tầm nhìn” dài lê thê cả trang giấy, “Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi” thì có quá nhiều yếu tố, đến nỗi ngay cả Sếp cũng không nhớ được. Có những Doanh nghiệp nhỏ, “Giá trị cốt lõi” lên tới 7 “Giá trị”, hoặc 9 “Giá trị”, thậm chí đến 13 “Giá trị”. Các cấp quản lý không thể nhớ hết được, đọc còn vấp. Vậy thì làm sao nhân viên có thể thấu hiểu và thực hiện được.

Hãy kaizen ngay các Bạn nhé. Chúc các bạn thành công và phát triển.

Trần Đình Cửu.

Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây

Bài 6: KAIZEN CÁCH TRUYỀN THÔNG SỨ MỆNH & TẦM NHÌN ĐỂ NHÂN VIÊN THẤU HIỂU

Có nhiều Doanh nghiệp đã viết Bộ tứ tài liệu “Sứ mệnh – Tầm nhìn – Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi”, nhưng thật sự chỉ một mình ông chủ biết, còn các cấp trung gian và mọi nhân viên đều không biết gì về Bộ tứ tài liệu này. Như vậy, một mình ông chủ biết, thì một mình ông chủ làm. Đương nhiên là không ổn rồi.

Hôm nay, Tôi chia sẻ với các bạn Kaizen cách truyền thông để mọi người thấu hiểu và thực hiện Bộ tứ tài liệu, bao gồm như sau:

1. Hãy niêm yết trang trọng Bộ tứ tài liệu “Sứ mệnh – Tầm nhìn – Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi” ở những nơi đông người, dễ nhìn, dễ thấy trong doanh nghiệp.

2. Chính CEO/ Chủ doanh nghiệp giải thích cụ thể, rõ ràng, chi tiết nội dung Bộ tứ tài liệu cho toàn thể cán bộ nhân viên để tránh hiện tượng “Tam sao thất bản”. Sau đó, CEO/ Chủ doanh nghiệp, truyền đạt riêng cho cấp trung gian một lần nữa để họ định kỳ truyền đạt lại cho các nhân viên trong bộ phận của mình. Điều này sẽ giúp cho nhân viên nhớ, thuộc và thấu hiểu, thì mới có thể thực hiện được.

 3. Tổ chức các chương trình thi đua, để mọi người có thể thực hiện tốt Bộ tứ tài liệu này. Bộ tứ tài liệu chính là chữ P trong PDCA (Plan-Do-Check-Act). Do đó khi “Do – thực hiện”, các Anh Chị hãy giải thích cho mọi nhân viên thấu hiểu để thực hiện, sau đó “Check – Kiểm tra”. Tôi đề nghị Anh Chị tổ chức giám sát, đánh giá kiểm tra định kỳ và công bố kết quả rõ ràng, những nơi nào làm tốt thì ta nhân rộng ra, những nơi nào không tốt, sai lệch ta phải thực hiện bước “Act – cải tiến”.

Thưa Anh Chị, cũng có rất nhiều Doanh nghiệp nói rằng họ đã cố gắng truyền đạt cho nhân viên nhiều lần, nhưng nhiều người vẫn không tuân thủ Bộ tứ tài liệu này. Doanh nghiệp Anh Chị có giống tình trạng như vậy không? Nếu có, vậy thì phải quyết như thế nào? Thân mời Anh Chị xem bài viết kế tiếp nhé.

Trần Đình Cửu.

Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây

Bài 5: HAI CÂU HỎI VÀNG – XÁC ĐỊNH LỢI THẾ CẠNH TRANH

Thưa Anh Chị.

Hôm nay, Tôi chia sẻ Kaizen cách thức xác định “Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi” của Doanh nghiệp.

Anh Chị hiện nay là những Doanh nghiệp đã trên 5 năm, đã và đang có khách hàng. Điều này, cho thấy sản phẩm/ dịch vụ của Anh Chị có những thế mạnh và các điểm khác biệt. Do vậy, Anh Chị nên hỏi khách hàng chính yếu, hai câu hỏi sau đây:

1. Quý vị vui lòng cho biết những đặc tính nào trong sản phẩm/ dịch vụ của chúng tôi, mà Quý vị đã quyết định dựa vào đó để lựa chọn sản phẩm/ dịch vụ của chúng tôi chứ không phải của đối thủ?

–> Anh chị hãy tổng hợp lại những câu trả lời, đó chính là “Năng lực cốt lõi”  

2. Quý vị vui lòng cho biết khi tiếp xúc với chúng tôi, những tính cách nào, những thái độ nào của chúng tôi, mà Quý vị thích nhất và ấn tượng nhất, để từ đó Quý vị quyết định lựa chọn chúng tôi chứ không lựa chọn đối thủ?

–> Anh chị hãy tổng hợp lại những câu trả lời, đó chính là “Giá trị cốt lõi”  

Khi xác định như vậy, Tôi đảm bảo “Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi” hoàn toàn đúng với doanh nghiệp của Anh Chị, bởi vì chính khách hàng đã khẳng định. Do vậy Anh Chị đừng bao giờ sao chép từ nơi khác. Anh Chị hãy đầu tư nguồn lực để phát huy “Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi” của mình. Đó là lợi thế để vượt qua mọi khó khăn và thách thức trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Mặt khác, “Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi”, cũng chính là công cụ để hoàn “Sứ mạng – Tầm nhìn” của Doanh nghiệp.

Như vậy, sau khi xác định được bộ tứ tài liệu “Sứ mạng – Tầm nhìn – Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi”, Anh chị hãy truyền đạt để mọi nhân viên thấu hiểu và thực hiện.  Cách thức truyền đạt thế nào, xin mời Anh Chị hãy xem bài viết kế tiếp.

Trần Đình Cửu.

Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây

Bài 4: CEO KAIZEN VIỆC THIẾT LẬP SỨ MỆNH & TẦM NHÌN “ĐÚNG”

Thưa các Anh/Chị.

Trong Doanh nghiệp cần có 4 loại tài liệu để định hướng và điều khiển mọi hoạt động, bao gồm:

1. “Sứ mạng” trả lời câu hỏi: Anh/Chị hình thành ra Doanh nghiệp để giải quyết vấn đề gì của xã hội, của khách hàng hay của cộng đồng?.

2. “Tầm nhìn” trả lời câu hỏi:  Anh/Chị muốn Doanh nghiệp đạt được những kết quả gì trong tương lai dài hạn, hoặc muốn Doanh nghiệp trở thành điều gì?.

3. “Giá trị cốt lõi” trả lời câu hỏi: Để đạt được “Sứ mạng và Tầm nhìn” Anh/ Chị cần những giá trị gì? Hoặc Anh/Chị muốn mọi người hàng ngày phải thể hiện những đức tính, những thái độ, những hành vi nào trong mọi sự tương tác. Đó chính là “Giá trị cốt lõi”. 

4. “Năng lực cốt lõi” trả lời câu hỏi: Anh/Chị rất giỏi về những năng lực gì tạo ra những sự khác biệt trong sản phẩm/ dịch vụ của mình so với sản phẩm/dịch vụ của đối thủ chính trong ngành? Dựa vào những sự khác biệt đó, khách hàng rất cần và đã chọn những sản phẩm/ dịch vụ của Anh/Chị chứ không phải của đối thủ.

Tóm lại, Tôi gọi đó là Bộ tứ tài liệu, gồm “Sứ mạng – Tầm nhìn – Giá trị cốt lõi và Năng lực cốt lõi”.

Thưa Anh/Chị, rất nhiều Chủ doanh nghiệp chưa biết đến Bộ tứ tài liệu này. Một số người có biết, nhưng những tài liệu này được viết ra không cụ thể, không rõ ràng. Thậm chí, một số Chủ Doanh nghiệp có lẽ vì quá bận, đã sao chép tài liệu nơi khác, sửa lại đôi chút để trở thành tài liệu của mình. Điều này là không đúng, vì Bộ tứ tài liệu này không mô tả hết những niềm say mê, khát vọng và cháy bỏng của Anh/Chị khi thành lập doanh nghiệp.

Do đó, tôi kêu gọi Anh/Chị hãy viết thật sự, thể hiện đúng niềm say mê, khát vọng và cháy bỏng của Anh/Chị. Hãy nhớ, “Sứ mạng – Tầm nhìn”, sẽ tạo ra niềm tin cho cán bộ nhân viên.

Ví dụ, Tôi là người đi xin việc, nhìn thấy “Sứ mạng” của doanh nghiệp Anh/Chị tuyên bố rằng: “Đem lại hạnh phúc cho khách hàng và bảo vệ môi trường”. Trong khi tôi rất quan tâm về vấn đề này, tôi sẽ sẵn sàng xin vào làm việc, sẵn sàng gắn kết và cháy bỏng sống theo “Sứ mạng” đó. Điều này rất quan trọng phải không Anh/ Chị?

Tôi chia sẻ mẹo nhỏ khi viết sứ mạng – tầm nhìn:

“Anh/ Chị hãy hình dung mình sống trên 80 tuổi. Vậy khi đã lìa trần, Anh Chị muốn người thân đọc điếu văn, thương nhớ và ghi nhận những thành tích kết quả gì của Anh/Chị?”. Đó chính là “Sứ mệnh & Tầm nhìn” đúng với ý nguyện của Anh/ Chị.

Do đó tôi kêu gọi Anh/ Chị hãy viết ra điếu văn cho mình ngay từ bây giờ. 

Giả sử, Anh/Chị làm trong lĩnh vực xây dựng. Anh/Chị đóng vai là người con, viết điếu văn cho chính mình. Sau khi viết xong, hãy đọc lại điếu văn. Những đoạn nào mô tả về thành quả mà không có số liệu cụ thể, thì đó là “Sứ mạng”. Những đoạn nào mô tả về thành quả mà có số liệu cụ thể, thì đó là “Tầm nhìn”.

Ví dụ:

– Bố đã xây “những ngôi nhà mơ ước hạnh phúc cho những người dân”. Vậy “Những ngôi nhà mơ ước cho những người dân” là “Sứ mạng”.

– Hoặc Bố đã đem lại trăm ngàn người lao động có công việc rất hạnh phúc; Hoặc Bố đã hoàn thành 8.000 ngôi nhà; Hoặc Bố đã xây dựng công ty trở thành doanh nghiệp số 3 hàng đầu của Việt Nam. Đó chính là những “Tầm nhìn”.

Vậy các Anh/Chị hãy viết ra “Sứ mạng – Tầm Nhìn” của chính doanh nghiệp mình một cách thật sự, không sao chép, thể hiện đúng tâm huyết của các Anh/Chị. Còn về “Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi”, chúng ta sẽ xác định như thế nào, kính mời Anh/Chị xem bài viết kế tiếp.

Trần Đình Cửu.

Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây

Bài 3: KAIZEN TƯƠNG THÍCH KỲ VỌNG CỦA NHÂN VIÊN TẠO GẮN KẾT

Thưa Anh Chị, hôm nay, Tôi viết về việc kaizen/cải tiến cách thức doanh nghiệp xác định các kỳ vọng của nhân viên và thực hiện đúng hoặc vượt trội các kỳ vọng đó. Khi doanh nghiệp thực hiện như vậy, nhân viên sẽ gắn kết, sẽ cống hiến hết trí tuệ và năng lực cho doanh nghiệp. Đó là điều rất tuyệt vời phải không Anh Chị?

Tác giả Tracy Maylett trong cuốn sách “The employee Experience” (Trải nghiệm của nhân viên) có chia sẻ 3 loại kỳ vọng:

1.Kỳ vọng “Cụ thể”: trong doanh nghiệp, những kỳ vọng này thể hiện ở trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động, các chính sách, các quy chế, các hướng dẫn, các thủ tục, các quy trình và các mục tiêu KPI mà doanh nghiệp giao cho nhân viên và đôi bên đã đồng thuận với nhau.

2. Kỳ vọng “Niềm tin”: ví dụ, trước khi xin việc, tôi nhìn thấy Sứ mạng – Tầm nhìn – Giá trị cốt lõi và Năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, làm tôi rất phấn khích, tự hào, bởi vì phù hợp với niềm tin của tôi. Ví dụ, sứ mạng doanh nghiệp đề cập “Mang lại sự hạnh phúc cho khách hàng và cộng đồng”. Tôi rất muốn thực hiện sứ mạng đó, tôi sẵn sàng tham gia vì tôi tin sứ mạng này phù hợp với niềm tin và khát vọng của tôi.

3. Kỳ vọng “Văn hóa”: kỳ vọng này liên quan nhiều đến tâm lý. Khi làm việc tại doanh nghiệp, tôi mong  muốn được mọi người tôn trọng, lắng nghe, kết nối, yêu thương nhau như trong một gia đình….. Đó chính là văn hóa doanh nghiệp, thường được thể hiện trong các Bộ quy tắc chỉ rõ những điều nên làm và những điều không nên làm.

Tóm lại có 3 loại kỳ vọng. Doanh nghiệp và nhân viên sẽ xác định, đồng thuận và tương thích đôi bên. Sau đó, trong thực tế, cả hai bên đều thực hiện đúng, thậm chí thực hiện vượt mong đợi, thì hai bên sẽ gắn kết với nhau.

Xin minh họa:

– Về Kỳ vọng “Cụ thể”, doanh nghiệp quy định: nếu tôi đạt được KPI, đạt được những thành tích A,B, C, … thì tôi sẽ nhận lương, thưởng ở mức XYZ , được thăng chức cao hơn một bậc hiện hành. Đến khi tôi thực hiện đạt được các KPI, các thành tích như thế, doanh nghiệp đã thực hiện đúng như thỏa thuận. Tôi hoàn toàn được trải nghiệm đúng, thậm chí doanh nghiệp còn làm tốt hơn, đối xử tốt hơn, tôi cảm thấy rất tuyệt vời và gắn kết với doanh nghiệp.

– Về Kỳ vọng “Niềm tin”, doanh nghiệp truyền đạt “Chúng ta phải trung thực với nhau”, nhưng tôi thấy Ban Lãnh đạo đối xử không trung thực. Hoặc “Chúng ta yêu thương tạo hạnh phúc cho khách hàng”, nhưng trong thực tế, mọi người hành xử không đúng như vậy. Lúc đó, tôi cảm thấy sốc, thất vọng và đương nhiên tôi sẽ không gắn kết với doanh nghiệp.

Thưa các Anh Chị, để các kỳ vọng hai bên tương thích với nhau tạo gắn kết, một điều rất quan trọng, cả hai bên phải thực hiện: “Nói đi đôi với làm”.

Vậy, Người sử dụng lao động và Người lao động cùng cam kết thực hiện đúng hoặc vượt trội các Kỳ vọng “Cụ thể”, “Niềm tin” và “Văn hóa” sẽ tạo ra sự gắn kết. Mọi người cùng nhau xây dựng và phát triển doanh nghiệp bền vững.

Chúc các Anh Chị thành công và phát triển!

Trần Đình Cửu.

Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây

BÀI 2: NHÂN VIÊN PHÙ HỢP NGHỈ VIỆC, THIỆT HẠI RẤT LỚN – HÃY KAIZEN NGAY ĐỪNG ĐỂ TÁI DIỄN

Hôm nay, tôi chia sẻ các tổn thất khi một nhân viên nhóm A: “Đúng người – Đúng vị trí” nghỉ việc.

Tổn thất thứ nhất, chúng ta bắt buộc phải tuyển người thay thế. Theo công ty Anphabe đã ước tính, chi phí tuyển dụng mất khoảng 20% tiền lương năm của vị trí nghỉ việc.

Tổn thất thứ hai, người mới vào không thể tạo ra hiệu suất bằng ngay với người cũ, phải có thời gian để họ hòa nhập. Đồng thời chúng ta phải huấn luyện đào tạo họ. Tổ chức HSRM ước tính chi phí  khoảng 50% – 60% tiền lương năm của vị trí đó.

Tổn thất thứ ba, khi nhân viên nhóm A nghỉ việc, chắc chắn trong công ty có người thay thế tạm thời, đương nhiên hiệu suất sẽ giảm ngay. Còn khi người mới vào thay thế, sẽ phải chờ một thời gian, hiệu suất mới tăng trở lại như lúc nhân viên nhóm A còn làm việc.

Vì vậy toàn bộ các chi phí từ tuyển dụng, đến đào tạo, mất năng suất….. người ta ước tính khoảng vài lần tiền lương năm của vị trí đó.

Quan trọng hơn nữa, khi nhân viên nhóm A ra đi, họ sẽ mang theo những kiến thức, kinh nghiệm, tri thức và bí quyết của công ty. Đặc biệt họ có thể mang theo những mối quan hệ làm ăn cũng như mối quan hệ nội bộ. Khi họ ra đi, làm cho một số người còn lại trong công ty dao động, có thể gây ra hiện tượng cả ekip bỏ đi. Vậy tổn thất đó không thể tính hết được, chưa kể chúng ta mất mối quan hệ làm ăn thì tổn thất cực kỳ lớn.

Vậy tôi kêu gọi các Bạn hãy luôn Kaizen việc chăm sóc nhân viên, đặc biệt nhân viên nhóm A “Đúng người – Đúng vị trí” để họ gắn kết, cống hiến hết mình cho công ty.

Hãy xác định đúng các kỳ vọng của nhân viên để chúng ta chăm sóc cho phù hợp.

Vậy làm thế nào để xác định được đúng kỳ vọng và giữ được nhân viên nhóm A. Thân mời Anh Chị đón xem bài viết kế tiếp.

Trần Đình Cửu

Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây

BÀI 1: KAIZEN HIỆU SUẤT NHÂN VIÊN THEO NGUYÊN TẮC PARETO

Hôm nay tôi bắt đầu chia sẻ đến anh chị một chuỗi các bài viết về Kaizen nguồn nhân lực

Thưa các Anh Chị, mọi người chúng ta đều biết nguyên tắc Pareto 20/80.

Có nghĩa là trong công ty của chúng ta, 20% nhân viên (gọi là nhóm A), sẽ tạo ra kết quả 80%. Còn lại 80% nhân viên (gọi là nhóm B), sẽ tạo ra kết quả là 20%. Như vậy một nhân viên nhóm A, họ có hiệu suất gấp 16 lần so với một nhân viên nhóm B.

Nếu Anh Chị là cán bộ công nhân viên, Anh Chị hãy cố gắng luôn tự kaizen bản thân để nâng cấp khả năng, trình độ, kỹ năng của mình lên thành nhân viên nhóm A. Anh chị sẽ được mọi người tôn trọng và tin tưởng.

Nếu Anh Chị là chủ doanh nghiệp hoặc lãnh đạo, Anh Chị hãy dành thời gian, nguồn lực, đầu tư vào nhân viên nhóm A. Bởi vì, khi Anh Chị đầu tư một đồng vào nhân viên nhóm A, anh chị sẽ nhận được hiệu quả gấp 16 lần so với đầu tư vào nhân viên nhóm B.

Nhóm A, là những nhân viên: “Đúng người – Đúng vị trí”.

Những nhân viên nhóm A, khi gắn kết với công ty, họ sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn. Họ hết mình với công ty, họ luôn kaizen và sẽ giúp công ty vượt qua mọi thách thức.

Vậy sức mạnh của họ như thế nào? Thân mời Anh Chị đón xem bài viết kế tiếp.

Trần Đình Cửu

Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây