Bài 12: KAIZEN – KỸ NĂNG KHEN NGỢI DÀNH CHO CEO

Kính chào Anh Chị, hôm nay tôi chia sẻ về Kaizen các kỹ thuật khen ngợi. Là người Chủ Doanh nghiệp/ CEO cần phải biết khen ngợi để động viên, khích lệ, phát huy năng lực và trí tuệ của nhân viên.

Xin minh họa qua các ví dụ:

Tình huống 1: Anh Chị có nhân viên bán hàng tên Dũng. Hôm nay, Dũng vào công ty, có đeo 1 đồng hồ mới. Anh Chị cảm thấy rất đẹp và ấn tượng. Anh Chị có thể khen : “Dũng ơi, hôm nay em đeo đồng hồ rất đẹp, phù hợp với em, nhìn rất “Men”.

Đó gọi là khen “vật lý”, tức là ta khen vẻ bề ngoài (như tóc, quần áo, cặp, ví, kính, …). Điều quan trọng, nếu Anh Chị cảm thấy thích thì hãy khen. Người nhận sẽ thích lời khen chân thành của Anh Chị. Ngược lại, nếu không thích, không ấn tượng đừng khen giả vờ nhé.

Tình huống 2: Dũng vừa bán hàng thành công cho một khách hàng lớn, cực kỳ khó tính (nhiều nhân viên sale bán mãi không được). Anh Chị có thể khen: ” Dũng ơi, hôm nay em là người bán hàng rất giỏi. Bằng chứng là, em đã bán thành công cho một khách hàng rất khó tính với giá trị rất lớn”. Dũng nghe lời khen, cảm thấy rất thích và phấn khởi vì được công nhận.

Đây là hình thức khen “kết quả”. Trong tình huống này, Dũng sẽ cảm thấy sướng hơn nhiều so với khen vật lý. Vì khen vật lý là khen vẻ bề ngoài, chỉ ở lại với Dũng trong một thời gian ngắn.

Sau khi khen “kết quả”, Anh Chị có thể phỏng vấn riêng: “Dũng ơi, làm cách nào mà em có thể bán được cho ông khách hàng khó tính như thế?”.

Lúc này, giả sử Dũng trả lời: “Ôi Sếp ơi, em phải kiên trì theo đuổi ông ta mất cả tháng trời, lắng nghe, giải thích kỹ lưỡng và đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu thì ông ta mới đồng ý mua hàng đấy!”.

Lúc đó, Anh Chị có thể khen: “ Dũng, em là người có tính cách kiên trì. Bằng chứng là, em đã theo đuổi khách hàng này hơn 1 tháng trời, lắng nghe, giải thích, thuyết phục một khách hàng rất khó tính và ký được hợp đồng rất lớn. Anh tin rằng, với tính cách kiên trì, em có thể vượt qua nhiều thách thức và phát triển rất nhanh trong tương lai”. Đây là hình thức khen “Tính cách”. Tính cách thì chắc chắn gắn liền với con người ta suốt đời.

Khi được khen như vậy, có thể lúc đó, Dũng chưa đạt được 100% tính cách kiên trì. Nhưng lời khen tính cách đó sẽ là một động lực giúp Dũng vượt qua mọi thách thức. Nếu trong tương lai, khi gặp khó khăn trở ngại lớn, Dũng sẽ nhớ đến lời khen tính cách kiên trì. Thế là Dũng không nản chí, không bỏ cuộc và vượt qua khó khăn. Đó là liều “Doping” cực mạnh.

Đây chính là bài học khen ngợi, tôi đã học được từ rất nhiều tài liệu của Ông Dale Carnegie (Tác giả cuốn sách Đắc Nhân Tâm).

Tôi kêu gọi Anh Chị là Chủ Doanh Nghiệp/ CEO hãy Kaizen kỹ thuật khen ngợi để động viên, khích lệ, phát huy năng lực và trí tuệ của nhân viên nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức.

Chúc các Anh Chị thành công & phát triển.

Trần Đình Cửu.

Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây