Tôi nhớ một chuyện khi mình 13 tuổi, gây cho tôi một ấn tượng rất khó quên. Mẹ tôi lúc đó bán tạp hóa và nước đá cục. Tôi có đưa cho một người đàn ông cục nước đá khoảng 1kg và cứ ngỡ là ông đã đưa tay cầm, nên đã buông cục đá ra. Chính lúc đó tôi phát hiện, cục đá đã rơi khỏi tầm với của ông ta. Với phản xạ cực nhanh, tôi quơ nhanh tay trái và bắt được cục đá.
Người đàn ông nói: “Thằng bé này phản xạ rất tốt, có khiếu đi học võ đó!”. Nhưng sau này tôi trở thành “Thủ môn” các bạn ạ. Như vậy khi cục đá rơi, các bạn thử hình dung, tôi có kịp suy nghĩ nên bắt bằng tay trái hay tay phải đây? Chắc chắn là không rồi, làm gì mà kịp suy nghĩ. Tôi bắt được cục đá là nhờ vào phản xạ, vậy phản xạ do đâu mà có? Đó chính là thói quen chơi bóng đá từ bé, nó đã hình thành phản xạ chớp nhoáng đó. Thói quen phản xạ đó là do tiềm thức điều khiển hành động, chứ không phải ý thức nó điều khiển.
Theo nhiều nguồn sách vở về tâm lý, người ta nhận định khái quát tư duy của chúng ta gồm “ý thức” và “tiềm thức”. Trong đó ý thức quyết định các hoạt động hàng ngày của chúng ta khoảng 10%, còn lại tiềm thức quyết định hoạt động hàng ngày là 90%.
Các bạn xem hình dưới đây.
Để dễ hình dung, tôi xin minh họa một ví dụ. Các bạn hãy nhớ lại ngày đầu tiên tập chạy xe máy, lúc đó chúng ta rất ý thức, nghĩa là tập trung chú ý nhớ tay ga là bên phải, cần sang số là chân trái, cần đạp thắng là chân phải, để chúng ta tập tành điều khiển xe máy sao cho an toàn. Nhưng đến nay, mỗi buổi sáng, các bạn bắt đầu chạy xe đi làm, các bạn có còn phải chú ý tay nào là ga, chân nào là số, chân nào là thắng hay không? Chắc chắn 100% là không rồi, thậm chí chúng ta vừa chạy vừa suy nghĩ đến các công việc sắp tới, chúng ta không cần phải chú ý đến các bộ phận và chức năng của xe, nhưng chúng ta vẫn điều khiển một cách rất chuyên nghiệp. Và một chuyện rất lạ nhưng rất đời thường, tôi chưa hề thấy ai đã chạy xe máy mà về sau lại quên cách chạy xe. Cứ lên xe là chúng ta điều khiển rất tự nhiên. Việc điều khiển này là do thói quen, tiềm thức quyết định.
Vậy tóm lại trong cuộc sống và trong sản xuất kinh doanh hàng ngày, thói quen (tiềm thức) chiếm 90% trong việc điều khiển các hoạt động, hành xử của chúng ta.
Nếu bạn có thói quen tốt, thói quen tích cực, xin chúc mừng bạn. Vì lúc đó, kết quả các hoạt động của bạn sẽ là rất tốt, đem lại giá trị cho người khác.
Nếu ngược lại, thì đó là điều bất hạnh. Nhưng bạn không phải lo lắng, bạn hãy thực hiện “Kaizen” vì cuộc sống hạnh phúc của chính bản thân bạn.
Trong năm 2019, tại chương trình 5 Phút Hôm Nay trên VTV1, chia sẻ 3 video clip giao thông “rợn người” và “đặc sản” chỉ có tại Việt Nam.
– Video thứ nhất nói về cảnh xảy ra tại một ngã tư ở tỉnh Bình Dương. Đường đang bị tắc, mọi phương tiện dịch chuyển rất chậm. Một xe container đầu kéo đang lết từng centimet, có lúc thì phải dừng. Vậy mà có một nhóm người lái xe gắn máy, dắt xe chui qua gầm xe container để thoát sang đường kế bên. Thật là một hành động liều lĩnh, quên cả tính mạng, chỉ vì muốn đi nhanh lên một chút. Đây là những người có thói quen luồn lách đủ kiểu để thoát “kẹt xe” trong hoạt động hàng ngày.
– Video clip thứ hai, chia sẻ cảnh một xe rơ moóc chở một lúc hai thùng container rỗng ruột chạy bon bon và nghênh ngang trên đường ngoại ô Hà Nội, chiếm gần hết cả hai làn đường. Hành động đó của lái xe rơ moóc quá nguy hiểm. Liệu đây có phải là lần đầu tiên họ chở như vậy hay đã thực hiện nhiều lần rồi? Tôi cược là họ đã chở nhiều lần rồi, mới chạy rất chuyên nghiệp như thế trên đường.
– Video Clip thứ ba, chia sẻ cảnh một xe container rẽ trái tại một ngã tư ở tỉnh Bình Dương. Khi xe đi vào vòng cung thì container vướng vào đường dây điện, làm cho thùng container rơi xuống đường, suýt đè bẹp một người chạy xe máy bên cạnh.
Thật là một cảnh tượng kinh hoàng, tưởng chừng chỉ có ở trên phim, ai ngờ lại đang xảy ra trong thực tế đời thường. Tôi có lời khuyên là các bạn nhớ đừng đi bên cạnh các xe container “hung thần” đặc sản tại Việt Nam nhé. Nguyên nhân rớt thùng container là do người ta không gài chốt cố định thùng container. Tôi lại xin hỏi các bạn, liệu đây là lần đầu tiên người ta quên gài chốt hay là thường xuyên có thói quen không gài chốt? Tôi cũng cược luôn, chắc chắn đây là thói quen thường xuyên của tài xế, đã hành động như thế nhiều lần rồi.
Vậy cả ba trường hợp này, ta phải Kaizen kiểu gì bây giờ, để không tái diễn? Nhà nước kêu gọi mọi người dân phải ý thức, phải nhận thức đó là hành động sai, hành động rất nguy hiểm cho mình và cho người khác.
Mọi người vẫn lên án các hành động này và cũng kêu gọi cùng nhau phải ý thức, phải cải tiến, phải thay đổi để không tái diễn những sự không phù hợp.
Thưa các bạn, việc kêu gọi mọi người dân phải ý thức để thay đổi tốt hơn là hoàn toàn đúng, chúng ta cần ủng hộ và nhắc nhở nhau cùng thực hiện. Nhưng Kaizen mà đòi hỏi phải ý thức thì e rằng hiệu quả sẽ không cao, vì cả ba trường hợp này đều do thói quen xấu (tiềm thức không tốt) điều khiển.
Muốn kaizen thay đổi thói quen xấu này, ta phải thực hiện cách thức kaizen không đòi hỏi người thực hiện phải ý thức, phải chú ý mà vẫn không bị sai. Đó chính là kaizen triệt tiêu nguồn gốc gây sai hỏng, gây lãng phí, giúp mọi người luôn làm đúng ngay từ đầu bởi vì cách kaizen này không có cơ hội làm sai, cực kỳ hiệu quả. Phương pháp kaizen này có tên gọi là Kiểm soát chất lượng không sai lỗi ZQC (Zero Quality Control).
Thân mời các bạn hãy đón xem bài viết kế tiếp: “Phương pháp kaizen ZQC không sai lỗi, giảm chi phí, nâng cao năng suất”.
https://trandinhcuu.com/phuong-phap-kaizen-zqc-zero-quality-control-khong-sai-loi-giam-chi-phi-nang-cao-nang-suat/
Chúc các bạn kaizen thành công!
Trần Đình Cửu