Bài 7: “NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM” – ĐÚNG SỨ MỆNH, TẦM NHÌN

Doanh nghiệp sau khi viết ra Bộ tứ tài liệu: “Sứ mệnh – Tầm nhìn – Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi”, đã truyền đạt cho nhân viên nhưng nhiều người vẫn không tuân thủ. Vậy cần phải tập trung Kaizen điều gì để mọi người tuân thủ thực hiện? Tôi xin gới ý 1 số cách sau:

1. Các CEO/ Chủ doanh nghiệp cần xem lại việc truyền đạt của mình thế nào, khiến cho nhân viên không tuân thủ. Nghĩa là chúng ta đã truyền nhưng chưa đạt, hoặc đã truyền nhưng chưa thông. Các bạn hãy cải tiến việc truyền đạt hoặc đa dạng cách thức truyền đạt.

Ví dụ: những Doanh nghiệp có tổ chức những ngày lễ lớn, lễ truyền thống hàng năm, các bạn có thể thiết lập các chương trình văn nghệ, soạn những bản nhạc/ tiểu phẩm có liên quan đến Bộ Tứ tài liệu. Hoặc tổ chức chương trình hái hoa dân chủ, thi đua, ai là người giải thích được Bộ tứ tài liệu. Đây chính là đa dạng cách thức truyền thông ngoài những cách tôi đã nêu ở bài trước.

2. Các CEO/ Chủ doanh nghiệp và quản lý cấp trung có gương mẫu thực hiện đúng những điều đã ghi trong “Sứ mạng – Tầm nhìn – Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi” chưa?. Tức là chúng ta “Nói có đi đôi với làm” không? Nếu  không, chắc chắn nhân viên sẽ không tuân thủ. Là lãnh đạo, chúng ta phải gương mẫu thực hiện trước.

3. Các CEO/ Chủ doanh nghiệp cải tiến cách thức khen ngợi để thúc đẩy việc tuân thủ Bộ tứ tài liệu.

Ví dụ: Khi khen ngợi ai, các bạn hãy nêu rõ hoạt động gì của nhân viên đã tương đồng với những điều ghi trong Bộ tứ tài liệu. Hoặc khi các bạn xử phạt ai về những điều gì đó không tốt, các bạn hãy nêu rõ các kết quả, các hoạt động nào của họ đã vi phạm điều gì nêu trong Bộ tứ tài liệu. Như vậy sẽ thúc đẩy mọi người có kỷ luật tuân thủ. 

4. Đối với Doanh nghiệp vừa và nhỏ, “Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi” hãy tập trung tối đa 3 “yếu tố cốt lõi” cho mỗi thứ mà thôi.

Tôi thấy nhiều doanh nghiệp có “Sứ mệnh – Tầm nhìn” dài lê thê cả trang giấy, “Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi” thì có quá nhiều yếu tố, đến nỗi ngay cả Sếp cũng không nhớ được. Có những Doanh nghiệp nhỏ, “Giá trị cốt lõi” lên tới 7 “Giá trị”, hoặc 9 “Giá trị”, thậm chí đến 13 “Giá trị”. Các cấp quản lý không thể nhớ hết được, đọc còn vấp. Vậy thì làm sao nhân viên có thể thấu hiểu và thực hiện được.

Hãy kaizen ngay các Bạn nhé. Chúc các bạn thành công và phát triển.

Trần Đình Cửu.

Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây