Sau khi 60 doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm xuất khẩu sang thị trường phương Tây, các doanh nghiệp trong nước cần rút ra bài học về chất lượng sản phẩm và định hướng mang tính chiến lược, tránh làm ăn kiểu ngắn hạn.
Tại Việt Nam, trong và sau dịch Covid-19, nhiều công ty dệt, hàng may mặc, thậm chí có những công ty “tay ngang” trước đây chỉ sản xuất thiết bị chiếu sáng hay lĩnh vực thực phẩm cũng nhảy vào sản xuất khẩu trang kháng khuẩn hay khẩu trang y tế. Việc doanh nghiệp đua nhau vào lĩnh vực này đã làm gia tăng mối lo ngại về chất lượng và an toàn của khẩu trang; đặc biệt là việc xuất khẩu khẩu trang y tế vì rất nhiều doanh nghiệp chưa được cấp phép để xuất khẩu sang thị trường châu Âu hoặc Mỹ.
Khẩu trang muốn xuất vào Liên minh châu Âu (EU) phải thử nghiệm đạt tiêu chuẩn EN 14683 hoặc EN 149 để được cấp phép hợp chuẩn (chứng nhận tiêu chuẩn CE). Trong đó nhiều doanh nghiệp đã thất bại trong việc xử lý việc nguyên vật liệu vải bị nhiễm nấm, hoặc tỷ lệ xơ không đạt yêu cầu quy định, nhà xưởng thiết bị và nguồn nhân lực đều chưa được trang bị phù hợp để đảm bảo có thể sản xuất khẩu trang đạt tiêu chuẩn thử nghiệm EN 14638 hoặc EN 149.
Tình trạng đổ vốn ồ ạt vào sản xuất khẩu trang y tế trong khi chưa hiểu tường tận cách thức và các tiêu chuẩn riêng của những thị trường lớn như Mỹ, Nhật và châu Âu đã khiến nhiều doanh nghiệp sống dở chết dở, đa phần các nhà sản xuất khẩu trang thất bại do không có sự đầu tư bài bản trước đó.
Bài học rút ra cho các doanh nghiệp muốn xuất khẩu khẩu trang sang châu Âu hay Mỹ là:
1. Áp dụng ISO 13485 một cách bài bản và nghiêm túc.
2. Nhà xưởng phải được thiết kế hợp vệ sinh và bảo vệ sản phẩm khỏi nhiễm bẩn.
3. Tận dụng các lợi thế trong EVFTA
4. Nghiên cứu yêu cầu xuất khẩu hoặc liên hệ với một tổ chức uy tín để được tư vấn và hỗ trợ.