KAIZEN THAY ĐỔI CÁC THÓI QUEN XẤU

Tôi nhớ một chuyện khi mình 13 tuổi, gây cho tôi một ấn tượng rất khó quên. Mẹ tôi lúc đó bán tạp hóa và nước đá cục. Tôi có đưa cho một người đàn ông cục nước đá khoảng 1kg và cứ ngỡ là ông đã đưa tay cầm, nên đã buông cục đá ra. Chính lúc đó tôi phát hiện, cục đá đã rơi khỏi tầm với của ông ta. Với phản xạ cực nhanh, tôi quơ nhanh tay trái và bắt được cục đá.

Người đàn ông nói: “Thằng bé này phản xạ rất tốt, có khiếu đi học võ đó!”. Nhưng sau này tôi trở thành “Thủ môn” các bạn ạ. Như vậy khi cục đá rơi, các bạn thử hình dung, tôi có kịp suy nghĩ nên bắt bằng tay trái hay tay phải đây? Chắc chắn là không rồi, làm gì mà kịp suy nghĩ. Tôi bắt được cục đá là nhờ vào phản xạ, vậy phản xạ do đâu mà có? Đó chính là thói quen chơi bóng đá từ bé, nó đã hình thành phản xạ chớp nhoáng đó. Thói quen phản xạ đó là do tiềm thức điều khiển hành động, chứ không phải ý thức nó điều khiển.

Theo nhiều nguồn sách vở về tâm lý, người ta nhận định khái quát tư duy của chúng ta gồm “ý thức” và “tiềm thức”. Trong đó ý thức quyết định các hoạt động hàng ngày của chúng ta khoảng 10%, còn lại tiềm thức quyết định hoạt động hàng ngày là 90%.

Các bạn xem hình dưới đây.

Để dễ hình dung, tôi xin minh họa một ví dụ. Các bạn hãy nhớ lại ngày đầu tiên tập chạy xe máy, lúc đó chúng ta rất ý thức, nghĩa là tập trung chú ý nhớ tay ga là bên phải, cần sang số là chân trái, cần đạp thắng là chân phải, để chúng ta tập tành điều khiển xe máy sao cho an toàn. Nhưng đến nay, mỗi buổi sáng, các bạn bắt đầu chạy xe đi làm, các bạn có còn phải chú ý tay nào là ga, chân nào là số, chân nào là thắng hay không? Chắc chắn 100% là không rồi, thậm chí chúng ta vừa chạy vừa suy nghĩ đến các công việc sắp tới, chúng ta không cần phải chú ý đến các bộ phận và chức năng của xe, nhưng chúng ta vẫn điều khiển một cách rất chuyên nghiệp. Và một chuyện rất lạ nhưng rất đời thường, tôi chưa hề thấy ai đã chạy xe máy mà về sau lại quên cách chạy xe. Cứ lên xe là chúng ta điều khiển rất tự nhiên. Việc điều khiển này là do thói quen, tiềm thức quyết định.

Vậy tóm lại trong cuộc sống và trong sản xuất kinh doanh hàng ngày, thói quen (tiềm thức) chiếm 90% trong việc điều khiển các hoạt động, hành xử của chúng ta.

Nếu bạn có thói quen tốt, thói quen tích cực, xin chúc mừng bạn. Vì lúc đó, kết quả các hoạt động của bạn sẽ là rất tốt, đem lại giá trị cho người khác.

Nếu ngược lại, thì đó là điều bất hạnh. Nhưng bạn không phải lo lắng, bạn hãy thực hiện “Kaizen” vì cuộc sống hạnh phúc của chính bản thân bạn.

Trong năm 2019, tại chương trình 5 Phút Hôm Nay trên VTV1, chia sẻ 3 video clip giao thông “rợn người” và “đặc sản” chỉ có tại Việt Nam.

– Video thứ nhất nói về cảnh xảy ra tại một ngã tư ở tỉnh Bình Dương. Đường đang bị tắc, mọi phương tiện dịch chuyển rất chậm. Một xe container đầu kéo đang lết từng centimet, có lúc thì phải dừng. Vậy mà có một nhóm người lái xe gắn máy, dắt xe chui qua gầm xe container để thoát sang đường kế bên. Thật là một hành động liều lĩnh, quên cả tính mạng, chỉ vì muốn đi nhanh lên một chút. Đây là những người có thói quen luồn lách đủ kiểu để thoát “kẹt xe” trong hoạt động hàng ngày.

– Video clip thứ hai, chia sẻ cảnh một xe rơ moóc chở một lúc hai thùng container rỗng ruột chạy bon bon và nghênh ngang trên đường ngoại ô Hà Nội, chiếm gần hết cả hai làn đường. Hành động đó của lái xe rơ moóc quá nguy hiểm. Liệu đây có phải là lần đầu tiên họ chở như vậy hay đã thực hiện nhiều lần rồi? Tôi cược là họ đã chở nhiều lần rồi, mới chạy rất chuyên nghiệp như thế trên đường.

– Video Clip thứ ba, chia sẻ cảnh một xe container rẽ trái tại một ngã tư ở tỉnh Bình Dương. Khi xe đi vào vòng cung thì container vướng vào đường dây điện, làm cho thùng container rơi xuống đường, suýt đè bẹp một người chạy xe máy bên cạnh.

Thật là một cảnh tượng kinh hoàng, tưởng chừng chỉ có ở trên phim, ai ngờ lại đang xảy ra trong thực tế đời thường. Tôi có lời khuyên là các bạn nhớ đừng đi bên cạnh các xe container “hung thần” đặc sản tại Việt Nam nhé. Nguyên nhân rớt thùng container là do người ta không gài chốt cố định thùng container. Tôi lại xin hỏi các bạn, liệu đây là lần đầu tiên người ta quên gài chốt hay là thường xuyên có thói quen không gài chốt? Tôi cũng cược luôn, chắc chắn đây là thói quen thường xuyên của tài xế, đã hành động như thế nhiều lần rồi.

Vậy cả ba trường hợp này, ta phải Kaizen kiểu gì bây giờ, để không tái diễn? Nhà nước kêu gọi mọi người dân phải ý thức, phải nhận thức đó là hành động sai, hành động rất nguy hiểm cho mình và cho người khác.

Mọi người vẫn lên án các hành động này và cũng kêu gọi cùng nhau phải ý thức, phải cải tiến, phải thay đổi để không tái diễn những sự không phù hợp.

Thưa các bạn, việc kêu gọi mọi người dân phải ý thức để thay đổi tốt hơn là hoàn toàn đúng, chúng ta cần ủng hộ và nhắc nhở nhau cùng thực hiện. Nhưng Kaizen mà đòi hỏi phải ý thức thì e rằng hiệu quả sẽ không cao, vì cả ba trường hợp này đều do thói quen xấu (tiềm thức không tốt) điều khiển.

Muốn kaizen thay đổi thói quen xấu này, ta phải thực hiện cách thức kaizen không đòi hỏi người thực hiện phải ý thức, phải chú ý mà vẫn không bị sai. Đó chính là kaizen triệt tiêu nguồn gốc gây sai hỏng, gây lãng phí, giúp mọi người luôn làm đúng ngay từ đầu bởi vì cách kaizen này không có cơ hội làm sai, cực kỳ hiệu quả. Phương pháp kaizen này có tên gọi là Kiểm soát chất lượng không sai lỗi ZQC (Zero Quality Control).

Thân mời các bạn hãy đón xem bài viết kế tiếp: “Phương pháp kaizen ZQC không sai lỗi, giảm chi phí, nâng cao năng suất”.
https://trandinhcuu.com/phuong-phap-kaizen-zqc-zero-quality-control-khong-sai-loi-giam-chi-phi-nang-cao-nang-suat/

Chúc các bạn kaizen thành công!
Trần Đình Cửu

BÂY GIỜ KHÔNG NỖ LỰC KAIZEN, TƯƠNG LAI SẼ BẤT LỰC

Doanh nghiệp lớn không phải do nhiều vốn, mà do họ liên tục cải tiến, kaizen và sáng tạo để phục vụ khách hàng tốt hơn, khách hàng ngày càng nhiều và tài chính ngày càng thịnh vượng

Chúc các bạn kaizen thành công!
Công ty TNHH Tư Vấn Trần Đình Cửu.

CÁCH TÍNH CHI PHÍ, LÃI LỖ TRONG BÁN HÀNG – SALEs

Hãy dừng ngay việc “TÍNH CUA TRONG LỖ”, Doanh thu bán hàng là quan trọng, nhưng chưa đủ. Hãy tính toán cẩn thận và tập trung Tiền mặt & Tổng lợi nhuận. Thấy Doanh thu tăng, tưởng lãi nhưng coi chừng hóa ra lại lỗ.

Chúc các bạn Kaizen thành công!
Công ty TNHH Tư Vấn Trần Đình Cửu

Lợi ích của Kaizen

Khi áp dụng Kaizen một cách thực sự, chúng ta sẽ gặt hái được rất nhiều kết quả trong cuộc sống cũng như trong sản xuất và kinh doanh.

 1. Cuộc sống cá nhân

Chúng ta có thể cải tiến tư duy và nhận thức để đem lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của chính mình.

Ví dụ, bạn có thể cải tiến thay đổi một thói quen cũ “ngủ nướng” bằng một thói quen “dậy sớm”, chắc chắn mang lại cho bạn nhiều lợi ích trong cuộc sống.

Chúng ta có thể cải tiến cách sống, cách sinh hoạt và cách chi tiêu trong gia đình để có thể sử dụng và tiết kiệm hợp lý thu nhập của gia đình.

Chúng ta có thể cải tiến cách giao tiếp, cách tương tác, cách thương yêu các thành viên trong gia đình để tạo ra sự hạnh phúc.

Tóm lại, chúng ta có thể Kaizen mọi khía cạnh trong cuộc sống để mưu cầu sự hạnh phúc.

2. Lợi ích của tổ chức

Mọi người trong tổ chức đều có thể tham gia thực hiện Kaizen. Đương nhiên cấp cao nhất phải làm gương thực hiện Kaizen hoạt động của bản thân. Điều này tạo ra văn hóa Kaizen ăn sâu vào máu của từng thành viên và trở thành một tính cách hiện hữu của từng cá nhân. Dẫn đến số lượng Kaizen cực kỳ lớn và chắc chắn đem lại hiệu quả trong doanh nghiệp.

Trong tổ chức, ban lãnh đạo thành lập một ban Kaizen để thúc đẩy, động viên, giám sát, khen thưởng việc thực hiện Kaizen.

Tất cả các khía cạnh liên quan đến 5 yếu tố M trong doanh nghiệp sẽ là đối tượng của việc thực hiện kaizen.

5M bao gồm: (1) Man – Con người; (2) Machine – Máy móc; (3) Material – Nguyên vật liệu đầu vào; (4) Method – Phương pháp sản xuất, công nghệ, quy trình kinh doanh, v.v…; (5) Measurement – Đo lường, giám sát.

Khi ban kaizen thúc đẩy các hoạt động cải tiến liên quan đến 5M, chắc chắn dẫn đến các yếu tố P, Q, C, D, S, M, E sẽ tốt hơn. Điều này giúp công ty nâng cao sự thỏa mãn khách hàng và các bên liên quan. Giúp công ty tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Đây chính là mong đợi của tất cả các công ty để thành công và phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp phát triển bền vững, tuổi thọ cả trăm năm có 4 đặc điểm như hình minh họa dưới đây: (trích bài giảng Quản lý chất lượng từ Dự án đào tạo tư vấn viên Việt Nam – do Samsung và Bộ Công thương tổ chức)

Trong đó, không ngừng đổi mới, sáng tạo (Kaizen) chính là một trong bốn đặc điểm chung của các Doanh nghiệp có khả năng sinh tồn mạnh mẽ, tuổi thọ lâu dài. Điều này đã được minh chứng bởi các doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Có thể nói, 7 nguyên tắc quản lý chất lượng cũng như các yêu cầu đưa ra của tiêu chuẩn hệ thống quản lý ISO 9001 thể hiện đầy đủ 4 yếu tố thành công của các doanh nghiệp có tuổi thọ hàng trăm năm trên thế giới.

Do đó, hầu như các công ty trên thế giới đã và đang lựa chọn triển khai, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001.

Các doanh nghiệp tại các nước phát triển áp dụng và vận hành hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn ISO là điều hiển nhiên. Ngoài ISO là tiêu chuẩn hệ thống quản lý cơ bản, các doanh nghiệp này còn áp dụng các hệ thống quản lý cao hơn như Malcolm Baldrige, TQM (Total Quality Management). Hoặc họ áp dụng các Kỹ Thuật Kaizen hiện trường từ đơn giản đến phức tạp như IE, Lean, Six Sigma, … để nâng cao tối đa 4 yếu tố thành công của các doanh nghiệp trăm năm.


Chúc các bạn kaizen thành công
Công ty TNHH Tư Vấn Trần Đình Cửu

[Chú thích:
P: Productivity – Năng suất; Q: Quality – Chất lượng; C: cost – Chi phí; D: Delivery – Giao hàng đúng hạn; S: Safety – An toàn; M: Moral – Tinh thần kỷ luật và đạo đức); E:Energy – Năng lượng / Environment – Môi trường]

BỐI CẢNH THAY ĐỔI THÌ PHƯƠNG PHÁP PHẢI THAY ĐỔI

Xin chia sẻ với các bạn một câu chuyện. Tại một gia đình nọ gồm “Tứ đại đồng đường”, có nghĩa là có 4 thế hệ cùng đang chung sống với nhau. Đại gia đình đó hiện có một cô bé 6 tuổi, một bà mẹ trẻ 32 tuổi, một bà ngoại 60 tuổi và một bà cố ngoại 85 tuổi. Vào ngày giỗ lớn của gia đình, bà mẹ trẻ đã làm cỗ để đãi khách. Cô bé nhỏ rất tò mò khi quan sát việc làm cỗ của bà mẹ trẻ. Trong khi chiên gà, bà mẹ trẻ đã chặt đôi con gà để chiên, lúc đó cô bé thấy làm lạ liền hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Tại sao chiên gà phải chặt ra làm đôi?”.

Bà mẹ cực kỳ ngạc nhiên khi nghe câu hỏi đó và giật mình thầm nghĩ: “Ừ nhỉ, tại sao phải chặt đôi gà khi chiên?”. Sau một vài giây, bà mẹ trẻ nói: “Con à! Mẹ cũng không biết tại sao phải chặt con gà ra làm đôi khi chiên, mẹ chỉ thấy bà ngoại làm vậy thì mẹ cũng làm theo thôi con”.

Cô bé tiến tới bà ngoại và hỏi: “Ngoại ơi! Tại sao phải chặt đôi con gà khi chiên?”. Bà ngoại cũng giật mình và ngạc nhiên giống như bà mẹ trẻ, sau đó bà ngoại nói: “Cháu yêu của bà, ngoại cũng không biết tại sao khi chiên gà phải chặt đôi, ngoại thấy bà cố ngoại làm như vậy nên bà làm theo thôi con”.

Đúng là trẻ con không bao giờ bỏ cuộc các bạn à. Cô bé tiếp tục tiến tới bà cố ngoại và đặt ra câu hỏi tương tự như đã hỏi mẹ và bà ngoại. Sau khi nghe cháu gái hỏi, bà cố ngoại suy nghĩ một lúc và chợt nhớ ra điều gì đó, rồi nói cho cô cháu nhỏ: “Cháu yêu của bà, bà cố đã hiểu câu hỏi của cháu. Đúng là chiên gà phải chặt ra làm đôi để chiên cháu à. Bởi vì ngày xưa bà cốnghèo , chỉ mua được cái chảo nhỏ. Do đó, khi chiên gà phải chặt ra làm đôi để chiên thành hai lần, thì mới vừa với cái chảo nhỏ mà bà cố có cháu à!”. Câu chuyện là thế đấy các bạn, rất ngớ ngẩn và lãng phí. Tóm lại như sau:  

Có nhiều chuyện rất đời thường, ta quá quen thuộc đến mức khi thực hiện ta không hề thắc mắc, không hề đặt vấn đề tại sao ta làm thế. Làm như thế liệu có còn hiệu quả, còn phù hợp hay không?
Do đó, chúng ta phải kaizen theo nguyên tắc: “Bối cảnh thay đổi thì phương pháp phải thay đổi”.

Sự thay đổi của môi trường doanh nghiệp và chiến lược sản xuất kinh doanh: (trích bài giảng Quản lý chất lượng từ Dự án đào tạo tư vấn viên Việt Nam – do Samsung và Bộ Công thương tổ chức)

Nhận định của John Chambers (Chủ tịch Cisco): “Trong thế kỷ 21, doanh nghiệp chiến thắng không phải là doanh nghiệp to lớn mà là doanh nghiệp phản ứng nhanh”. Tuyên bố này của ông thể hiện sự đề cao cải tiến, thay đổi liên tục của doanh nghiệp theo bối cảnh kinh doanh và yêu cầu của khách hàng để có thể tồn tại và phát triển trong thời đại mới.

Doanh nghiệp cũng như một thực thể sống, cần sự thay đổi liên tục để thích nghi với môi trường luôn thay đổi.
Theo thống kê của Mckinsey, tuổi thọ trung bình của các doanh nghiệp trên thế giới là 15 năm (2005).
Theo Fortune 500, chỉ trong vòng 5 năm, 1/3 trong số 500 doanh nghiệp của Fortune đã được thay thế.

Tuổi thọ của doanh nghiệp đang ngày càng bị rút ngắn hơn, mà yếu tố cốt lõi nhất đến từ sự thay đổi liên tục của bối cảnh kinh doanh. Trong khi đó các doanh nghiệp lại không kịp thay đổi để thích nghi.

Môi trường hoạt động kinh doanh xung quanh ta thay đổi rất nhanh chóng. Các yêu cầu/ mong đợi của các bên liên quan luôn thay đổi. Ví dụ như: yêu cầu khách hàng, yêu cầu của nhân viên, luật pháp, xã hội, đối thủ cạnh tranh, các đối tác và cộng đồng, … luôn thay đổi. Vì vậy chúng ta phải luôn Kaizen theo nguyên tắc nêu trên.

Chúc các bạn kaizen thành công!
Trần Đình Cửu.

Kaizen giải quyết bài toán: Mối quan tâm của khách hàng – nhân viên – Doanh nghiệp – Nhà cung cấp

Nhìn vào hoạt động bình thường của một công ty, chúng ta luôn thấy có các mối quan hệ sau đây:

  • Quan hệ giữa công ty và khách hàng bên ngoài (đầu ra)
  • Quan hệ giữa công ty và Nhân viên (khách hàng nội bộ).
  • Quan hệ giữa Công ty và nhà cung cấp (đầu vào).

Các mối quan hệ này được minh họa theo hình sau:

Dĩ nhiên còn rất nhiều mối quan hệ khác nữa, nhưng để đơn giản chúng ta chỉ tập trung vào số ít các mối quan hệ quan trọng được thể hiện như hình trên.

Từ các mối quan hệ này, đã nảy sinh các mối quan tâm và các yêu cầu rất đa dạng, đôi khi chúng mâu thuẫn nhau giữa các bên liên quan (công ty, khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp).

Ta cùng xem xét các yêu cầu giữa từng cặp mối quan hệ:

  • Công ty và khách hàng: Khách hàng luôn yêu cầu chất lượng sản phẩm/dịch vụ đầu ra ngày càng cao (yếu tố Q – Quality – Chất lượng). Giá cả ngày càng thấp (yếu tố C – Cost – Chi phí). Giao hàng đúng hạn ngày càng nhanh (yếu tố D – Delivery – Giao hàng).
  • Công ty và nhân viên: Nhân viên yêu cầu công ty phải cung cấp điều kiện làm việc, môi trường làm việc ngày càng tốt. Lương và phúc lợi ngày càng cao. Thời gian làm việc ngày càng ít.
  • Công ty và nhà cung cấp: Nhà cung cấp mong đợi công ty chấp nhận mức chất lượng đầu vào hợp lý (đừng khắt khe quá), giá cả ngày càng cao, thanh toán ngày càng nhanh.

Mới chỉ xem xét sơ bộ các yêu cầu tại một số ít các mối quan hệ, ta thấy làm chủ một doanh nghiệp không hề đơn giản, đầy thách thức. Chúng ta phải có các giải pháp để giải quyết đồng thời các yêu cầu nêu trên, đảm bảo sự cân bằng tương đối giữa chúng. Tất nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất của công ty là phải ưu tiên vào việc thỏa mãn khách hàng. Nếu công ty không có khách hàng thì nó không thể tồn tại được.

Để giải quyết bài toán tương đối mâu thuẫn giữa các yêu cầu của các bên liên quan, công ty phải tập trung vào kaizen nâng cao chất lượng sản phẩm/ dịch vụ (yếu tố Q). Khi chất lượng tốt lên, làm đâu đúng đấy, thì năng suất đương nhiên là tăng lên. Điều này ngược với suy nghĩ của nhiều người tại Việt Nam. Bởi lẽ chúng ta cho rằng phải làm tỉ mỉ, cẩn thận thì chất lượng mới tốt. Khi làm tỉ mỉ có nghĩa là làm chậm, làm chậm thì năng suất thấp. Với suy nghĩ này thì đây là điểm không phù hợp. Vì từ xưa, các cụ hay dạy “Nhanh hóa chậm, chậm hóa ra mà nhanh”.

Chúng ta cùng lưu ý, khi làm đâu đúng đó, làm đúng ngay từ đầu, chắc chắn hàng hư hỏng sẽ ít đi. Như vậy, năng suất cao hơn, chi phí sẽ giảm và giao hàng sẽ đúng hạn.

Tầm quan trọng của QCD: (trích bài giảng Quản lý chất lượng từ Dự án đào tạo tư vấn viên Việt Nam – do Samsung và Bộ Công thương tổ chức)
Sinh tồn của công ty = Khả năng tạo ra lợi nhuận = Khả năng cạnh tranh.
Sự sinh tồn của công ty phụ thuộc vào khả năng tạo ra lợi nhuận.
Khả năng tạo ra lợi nhuận thì phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của công ty.

Như Warrant Buffet nói: “Price is what you pay, value is what you get” (“Giá cả là cái bạn phải trả, Giá trị là cái bạn nhận được”).

Để doanh nghiệp có thể tồn tại bền vững, giá trị (Value) mà sản phẩm dịch vụ công ty cung cấp cho khách hàng phải vượt trội so với giá cả (Price) mà khách hàng phải trả khi mua. Để giá cả là thấp nhất thì các loại chi phí (Cost) tạo ra sản phẩm dịch vụ phải là thấp nhất (trích bài giảng Quản lý chất lượng từ Dự án đào tạo tư vấn viên Việt Nam – do Samsung và Bộ Công thương tổ chức).

Nguyên tắc kinh doanh trong thời đại hiện nay là: Tối đa hóa giá trị và tối ưu hóa chi phí.

Từ phương trình về giá trị sản phẩm/dịch vụ và các yếu tố liên quan chúng ta thấy, để tối đa hóa giá trị thì chất lượng (Q) và dịch vụ khách hàng phải tăng, đồng thời chi phí (C) và thời gian giao hàng (D) phải giảm.

Công ty phải theo đuổi đồng thời cả 4 yếu tố. Hy sinh bất kể yếu tố nào cũng sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh.

  • Chất lượng (Q): Cung cấp sản phẩm đạt yêu cầu/vượt mong đợi khách hàng.
  • Dịch vụ khách hàng (CS): Cung cấp dịch vụ đạt yêu cầu/vượt mong đợi của khách hàng.
  • Chi phí (C): Cung cấp giá cả phù hợp với mong đợi của khách hàng. Giá cả là do khách hàng quyết định.
  • Thời gian giao hàng (D): Cung cấp đúng thời điểm khách hàng yêu cầu.

Vậy phải Kaizen thôi các bạn:

Hãy Kaizen liên tục hướng đến làm đúng ngay từ đầu“.

Chúc các bạn kaizen thành công!
Trần Đình Cửu