Hôm nay xin chia sẻ câu chuyện xảy ra tại công ty tôi.
Cách đây 17 năm, công ty tôi có quy định khi các chuyên gia đi công tác ở tỉnh, được phép sử dụng phòng khách sạn có máy lạnh với giá không quá 250.000đ/ phòng.
Một hôm, một chuyên gia đi công tác tại Trà Vinh về, anh đã nộp phiếu quyết toán công tác phí có sử dụng phòng khách sạn với giá 400.000đ/ phòng.
– KTT (Chị Kế toán trưởng): Anh ơi, cái này vượt quá quy định rồi.
– CG (Anh chuyên gia): à, ở Trà Vinh khách sạn không có giá 250.000đ/ phòng, thấp nhất là 400.000đ/ phòng em ơi!
– KTT: em không thể thanh toán được, vì nó vượt quá quy định rồi.
– CG: Trời ơi, anh làm rất cực khổ mà còn không chịu quyết toán. Thôi đằng nào tiền anh cũng đã tạm ứng và xài rồi, không quyết toán thì thôi vậy.
– KTT: anh nói như thế đâu được, việc này em sẽ báo Sếp.
– CG: Em cứ báo đi.
Khi tôi về đến Công ty, nhìn thấy chị KTT, vẻ mặt rất buồn, tôi liền hỏi chuyện:
– Tôi: Sao! Hôm nay có chuyện gì vậy?
– KTT (giọng điệu muốn khóc): Anh ơi, câu chuyện như thế này …..
– Tôi: Cứ từ từ, ngồi đây và bình tĩnh. Tôi sẽ lắng nghe.
Chị ấy ngồi xuống và khuôn mặt giãn ra nhẹ nhõm. Tại sao thế nhỉ, các Anh Chị có biết lý do không? Hãy cố đọc tiếp nhé.
Thưa Anh chị, theo Ken Blanchard, tác giả cuốn sách nổi tiếng thế giới “Vị giám đốc 1 phút”, gọi công việc mà mỗi người chúng ta có nhiệm vụ thực hiện là “con khỉ”, chúng ta có trách nhiệm cõng nó, giải quyết nó.
Quay lại câu chuyện của công ty tôi, việc quyết toán công tác phí là trách nhiệm của KTT giải quyết, nghĩa là chị ấy phải cõng “con khỉ” đó. Vì vậy, khi tôi nói sẽ lắng nghe, thì một chân con khỉ của KTT đã bước qua vai tôi, nên chị ấy cảm thấy nhẹ nhõm.
Khi KTT tường thuật lại toàn bộ câu chuyện, lúc đó tôi cũng rất bực và nói: “Được rồi, chuyện này để tôi giải quyết. Chị hãy an tâm”.
Và thưa các bạn, đúng lúc này, KTT đã cười một cách nhẹ nhàng, bởi vì chân còn lại của con khỉ đã bước hẳn qua vai của tôi rồi.
Hôm sau tôi giảng bài tại một doanh nghiệp, vào lúc giờ nghỉ giải lao, KTT gọi điện thoại:
– KTT: Sếp ơi, Sếp giải quyết chuyện đó chưa?
– Tôi: Ôi, tôi xin lỗi, bận quá, trưa nay tôi sẽ gọi chuyên gia để giải quyết.
Đến trưa, tôi bận tiếp khách hàng. KTT lại gọi điện thoại thêm một lần nữa:
– KTT: Sếp ơi, Sếp giải quyết chưa?
– Tôi: Ôi, tôi xin lỗi. Thôi được rồi để chiều nay tôi về sẽ giải quyết.
Đến chiều muộn, sau khi giảng bài xong, KTT lại gọi hỏi tôi thêm lần nữa.
…..
Đấy các bạn xem, lúc này Ai là Sếp và Ai là nhân viên?.
Tôi chính là nhân viên và KTT là Sếp. Chị ấy đang dí việc tôi mà.
Đây chính là lỗi tại “Tôi”, chứ không phải của KTT.
Đúng ra, Tôi không nên “cõng khỉ”. Ngay từ đầu, sau khi nghe câu chuyện từ KTT, tôi nên hỏi: “Giải pháp của chị như thế nào?”. Từ đó, tôi có thể tư vấn, gợi ý để chị ấy ra giải pháp và thực hiện.
Thưa các bạn, Tôi đã cõng khỉ, đó là một bài học sai lầm rất nhớ đời. Sau này đi tư vấn, tôi gặp rất nhiều trường hợp tương tự.
Ví dụ, đội sale bán không được hàng, ông Sếp nói: “Được rồi, để tớ”. Thế là, Sếp đi bán hàng và dẫn theo cả đội sale, kết quả ông ta đã bán rất nhiều hàng một cách dễ dàng. Sếp nói với nhân viên: “Thấy không? Đâu có gì khó đâu”. Lúc này, nhân viên sale vỗ tay và khen ngợi: “công nhận Sếp giỏi thật, Sếp bán hay thật, Sếp là siêu sale!”. Vậy giữa Sếp và nhân viên sale, ai là Sếp và ai là nhân viên?.
Đúng ra, sau khi bán hàng làm mẫu xong, sếp nên hỏi nhân viên “Bài học rút ra là gì?” Hoặc gợi ý cho họ các giải pháp, các cách thức bán hàng.
Tôi kêu gọi các bạn hãy luôn Kaizen, “Đừng cõng khỉ” công việc của nhân viên. Khi chúng ta “cõng khỉ”, nhân viên không giỏi lên được, không khai thác năng lực của nhân viên. Mặt khác còn làm mất thời gian quý giá của chính chúng ta.
“KAIZEN – DỪNG CÕNG KHỈ NGAY NHÉ! ”
Chúc các bạn thành công và phát triển!
Trần Đình Cửu.
Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây