Một công ty sản xuất bao bì nhựa thua lỗ đã bán lại cho người chủ mới.
Sau 3 tháng ổn định nhân sự, làm quen với cách sản xuất kinh doanh, Giám đốc (người chủ mới), bắt đầu đi sâu sát xuống hiện trường.
Tại công đoạn ép phôi:
- GĐ hỏi tổ trưởng (TT): “Làm thế nào để công đoạn ép phôi tốt hơn?”.
- TT đã làm việc 7 năm trả lời với thái độ khá bức xúc: “Em đã đề nghị cải tiến cái khuôn này ở 1 số vị trị sẽ giúp năng suất & chất lượng tốt hơn. Vì hiện nay, việc lên và tháo khuôn phải chỉnh rất lâu! Nhưng không hiểu đã 2 năm, tổ khuôn không cải tiến, cứ tạo ra khuôn như cũ?”.
GĐ gặp tổ làm khuôn, nhân viên trả lời: “Đúng là có chuyện đó ạ!”. - GĐ hỏi: “Thế sao không làm?”.
- Nhân viên trả lời: “Nếu làm theo ý kiến đó, chúng em phải tốn gấp đôi số công bỏ ra, nhưng tiền công làm khuôn đã định mức cố định. Nên không làm được ạ”.
GĐ hỏi tổ trưởng ép phôi: “nếu khuôn được cải tiến, các anh nâng cao năng suất và chất lượng ép phôi, thu nhập tăng, các anh có sẵn sàng chia sẻ thu nhập cho họ không?”
- TT: “Em sẵn sàng chia sẻ cho họ tăng thành gấp 3 luôn ạ, vì bọn em còn lợi chán!”
- GĐ: “Tại sao đơn giản thế không ai làm?”.
- TT: “Chúng em đâu biết ạ? Hôm nay Sếp nói em mới biết là bên khuôn họ bị vướng như thế.”
Giám đốc hiểu ngay là quản lý phía trên không nắm hiện trường rồi.
Chưa đâu các bạn, Giám đốc còn thấy hiện tượng khá thú vị tại tổ thành phẩm. Công nhân tổ thành phẩm và QC ghi dấu các ký hiệu rất nhỏ lên thành phẩm chuyển giao cho khách hàng, như sau: - Loại có 1 chấm
- Loại có 2 chấm
- Loại không có chấm nào.
Giám đốc hỏi các chấm nhỏ này có ý nghĩa thế nào? (Chấm rất nhỏ phải để ý mới phát hiện). Họ cho biết, đây là quy ước riêng.
Khi khách hàng khiếu nại, QC sẽ sang tận nơi của khách hàng:
- Nếu thấy sản phẩm bị khiếu nại không có chấm nào, thì QC sẽ cãi cho bằng được, kể cả thử nghiệm kiểu gì cũng được, vì đó là hàng tốt 100%.
- Nếu là hàng có 2 chấm, QC sẽ không nói gì cả, chấp nhận ký biên bản, thu hồi và đền bù hàng, vì đó là hàng không đạt.
- Nếu là hàng có 1 chấm, QC sẽ cố cãi, thắng được thì tốt. Nếu cãi mãi không được, khách hàng chứng minh rõ ràng thì lúc đó QC thu hàng về, vì đây là hàng ở ranh giới giữa đạt và không đạt, ăn thua cãi giỏi là thoát.
Giám đốc tròn xoe hai mắt, há hốc miệng không nói được lời nào! Nghĩ thầm “thảo nào khách hàng khiếu nại thường xuyên”.
Về văn phòng, họp và hỏi các cấp quản lý trung gian, không ai biết sự việc dưới hiện trường như vậy.
Giám đốc hiểu ra rằng: “công ty thua lỗ là phải” và đã triển khai ngay chương trình cải tiến hiện trường.
Phải mất 6 tháng, rà soát mọi ngóc ngách, nhân rộng những điều tốt và cải tiến ngay các điều lãng phí, đặc biệt cải tiến triệt để chấm dứt vụ 1 chấm, 2 chấm. Khách hàng hài lòng, công ty bắt đầu có lãi và phát triển.
Tảng băng chìm tại hiện trường mới đáng sợ phải không bạn? Sự thật rất trần trụi và đầy thú vị.
Cải tiến hiện trường là “QỦA RẤT DỄ HÁI”, mọi người đều làm được.
Hãy thực hiện ngay các bạn nhé, đừng để tiền nó bay.
Hẹn gặp các Bạn câu chuyện “TIỀN BAY” ở tập kế tiếp.
Trân trọng.
Trần Đình Cửu.