Bài 4: CEO KAIZEN VIỆC THIẾT LẬP SỨ MỆNH & TẦM NHÌN “ĐÚNG”

Thưa các Anh/Chị.

Trong Doanh nghiệp cần có 4 loại tài liệu để định hướng và điều khiển mọi hoạt động, bao gồm:

1. “Sứ mạng” trả lời câu hỏi: Anh/Chị hình thành ra Doanh nghiệp để giải quyết vấn đề gì của xã hội, của khách hàng hay của cộng đồng?.

2. “Tầm nhìn” trả lời câu hỏi:  Anh/Chị muốn Doanh nghiệp đạt được những kết quả gì trong tương lai dài hạn, hoặc muốn Doanh nghiệp trở thành điều gì?.

3. “Giá trị cốt lõi” trả lời câu hỏi: Để đạt được “Sứ mạng và Tầm nhìn” Anh/ Chị cần những giá trị gì? Hoặc Anh/Chị muốn mọi người hàng ngày phải thể hiện những đức tính, những thái độ, những hành vi nào trong mọi sự tương tác. Đó chính là “Giá trị cốt lõi”. 

4. “Năng lực cốt lõi” trả lời câu hỏi: Anh/Chị rất giỏi về những năng lực gì tạo ra những sự khác biệt trong sản phẩm/ dịch vụ của mình so với sản phẩm/dịch vụ của đối thủ chính trong ngành? Dựa vào những sự khác biệt đó, khách hàng rất cần và đã chọn những sản phẩm/ dịch vụ của Anh/Chị chứ không phải của đối thủ.

Tóm lại, Tôi gọi đó là Bộ tứ tài liệu, gồm “Sứ mạng – Tầm nhìn – Giá trị cốt lõi và Năng lực cốt lõi”.

Thưa Anh/Chị, rất nhiều Chủ doanh nghiệp chưa biết đến Bộ tứ tài liệu này. Một số người có biết, nhưng những tài liệu này được viết ra không cụ thể, không rõ ràng. Thậm chí, một số Chủ Doanh nghiệp có lẽ vì quá bận, đã sao chép tài liệu nơi khác, sửa lại đôi chút để trở thành tài liệu của mình. Điều này là không đúng, vì Bộ tứ tài liệu này không mô tả hết những niềm say mê, khát vọng và cháy bỏng của Anh/Chị khi thành lập doanh nghiệp.

Do đó, tôi kêu gọi Anh/Chị hãy viết thật sự, thể hiện đúng niềm say mê, khát vọng và cháy bỏng của Anh/Chị. Hãy nhớ, “Sứ mạng – Tầm nhìn”, sẽ tạo ra niềm tin cho cán bộ nhân viên.

Ví dụ, Tôi là người đi xin việc, nhìn thấy “Sứ mạng” của doanh nghiệp Anh/Chị tuyên bố rằng: “Đem lại hạnh phúc cho khách hàng và bảo vệ môi trường”. Trong khi tôi rất quan tâm về vấn đề này, tôi sẽ sẵn sàng xin vào làm việc, sẵn sàng gắn kết và cháy bỏng sống theo “Sứ mạng” đó. Điều này rất quan trọng phải không Anh/ Chị?

Tôi chia sẻ mẹo nhỏ khi viết sứ mạng – tầm nhìn:

“Anh/ Chị hãy hình dung mình sống trên 80 tuổi. Vậy khi đã lìa trần, Anh Chị muốn người thân đọc điếu văn, thương nhớ và ghi nhận những thành tích kết quả gì của Anh/Chị?”. Đó chính là “Sứ mệnh & Tầm nhìn” đúng với ý nguyện của Anh/ Chị.

Do đó tôi kêu gọi Anh/ Chị hãy viết ra điếu văn cho mình ngay từ bây giờ. 

Giả sử, Anh/Chị làm trong lĩnh vực xây dựng. Anh/Chị đóng vai là người con, viết điếu văn cho chính mình. Sau khi viết xong, hãy đọc lại điếu văn. Những đoạn nào mô tả về thành quả mà không có số liệu cụ thể, thì đó là “Sứ mạng”. Những đoạn nào mô tả về thành quả mà có số liệu cụ thể, thì đó là “Tầm nhìn”.

Ví dụ:

– Bố đã xây “những ngôi nhà mơ ước hạnh phúc cho những người dân”. Vậy “Những ngôi nhà mơ ước cho những người dân” là “Sứ mạng”.

– Hoặc Bố đã đem lại trăm ngàn người lao động có công việc rất hạnh phúc; Hoặc Bố đã hoàn thành 8.000 ngôi nhà; Hoặc Bố đã xây dựng công ty trở thành doanh nghiệp số 3 hàng đầu của Việt Nam. Đó chính là những “Tầm nhìn”.

Vậy các Anh/Chị hãy viết ra “Sứ mạng – Tầm Nhìn” của chính doanh nghiệp mình một cách thật sự, không sao chép, thể hiện đúng tâm huyết của các Anh/Chị. Còn về “Năng lực cốt lõi và Giá trị cốt lõi”, chúng ta sẽ xác định như thế nào, kính mời Anh/Chị xem bài viết kế tiếp.

Trần Đình Cửu.

Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây