Trong khi đào tạo, tôi hay hỏi học viên, “Bạn làm việc cho ai?”. Tùy theo chức danh, vị trí của từng người mà tôi nhận được các câu trả lời khác nhau.
Người chủ công ty thì trả lời: “Tôi làm việc cho chính tôi”. Người làm công ăn lương thì trả lời: “Tôi làm việc cho công ty xyz nào đó”.
Đối với người chủ doanh nghiệp, tôi lại hỏi, “Bạn cung cấp sản phẩm/ dịch vụ của mình cho ai?”. Họ trả lời, cung cấp sản phẩm/ dịch vụ cho khách hàng. Tôi tiếp tục hỏi “Vậy khách hàng đòi hỏi sản phẩm/ dịch vụ của bạn thế nào? Bạn có sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi tìm mọi cách để cải tiến sản phẩm/ dịch vụ nhằm đáp ứng, thậm chí đáp ứng vượt trội yêu cầu của khách hàng mục tiêu không?”. Câu trả lời luôn luôn là “Yes”. Luôn phải cải tiến sản phẩm/ dịch vụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, vì yêu cầu của khách hàng luôn thay đổi và ngày càng nâng cao.
Họ cho rằng, họ phải luôn làm như vậy, bởi vì doanh nghiệp là của họ. Khách hàng là người nuôi sống họ, vì thế họ cống hiến hết sức lực và trí khôn cho doanh nghiệp để thỏa mãn yêu cầu của khách hàng. Nếu không làm thế, trong môi trường cạnh tranh hung dữ và đói khát hiện nay, doanh nghiệp của họ có thể biến mất trong một nốt nhạc. Điều này cho thấy “tinh thần làm chủ” trong công việc rất cao. Đây cũng là lẽ thường tình phải không các bạn chủ doanh nghiệp. Bản thân tôi cũng hành xử như thế.
Còn đối với người làm công ăn lương, đang làm việc cho công ty XYZ nào đó. Tôi cũng thường xuyên hỏi những câu hỏi có vẻ rất ngớ ngẩn.
Ví dụ, “Sáng nay bạn ăn sáng món gì?” Họ trả lời ăn phở. Tôi hỏi tiếp: “Vậy bạn muốn tô phở được cung cấp phải như thế nào?”. Họ trả lời, tô phở phải ngon, bổ, sạch và rẻ. Khách hàng luôn luôn là thế phải không các bạn?
Tôi lại tiếp tục hỏi những câu rất sốc: “Xin lỗi, bạn đang làm cho công ty XYZ. Vậy bạn có bị ép buộc phải làm việc cho công ty XYZ không? Có ai dí súng, đe dọa, ép bạn phải làm việc cho công ty XYZ không? Bạn có quyền lựa chọn nơi làm việc khác không?”. Chắc chắn, các bạn đã đoán được câu trả lời, luôn luôn là tự nguyện, không ai bắt buộc cả. Phần lớn, mọi người còn chia sẻ, lý do họ làm việc cho công ty XYZ, bởi vì lương, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, … Tôi lại tiếp tục hỏi: “Vậy bạn có toàn quyền bán sức lực, trí tuệ và tài năng của bạn cho công ty này hoặc công ty khác?” Câu trả lời luôn là “Yes”. “Vậy giữa bạn và công ty XYZ thì ai là khách hàng, ai là nhà cung cấp?”. Câu hỏi này thật sự gây sốc cho học viên. Sau một hồi suy nghĩ, họ thường trả lời thì thầm nho nhỏ: “Công ty XYZ là khách hàng của tôi”.
Và như vậy, bạn là nhà cung cấp, công ty XYZ là khách hàng. Bạn là người có quyền ra mức giá (mức thu nhập) dựa trên giá trị mà bạn cung cấp. Còn công ty XYZ thì đòi hỏi chất lượng công việc của bạn phải đáp ứng yêu cầu của họ, tương xứng với mức thu nhập bạn nhận được (họ là khách hàng mà)
Điều đó, muốn nói lên một sự thật khá trần trụi, bạn là nhà cung cấp, bạn phải tạo ra giá trị và bạn có quyền ra mức giá miễn sao đáp ứng yêu cầu khách hàng. Đừng than vãn là lương cao hay thấp. Đừng than vãn người ta có tôn trọng hay không! Bạn hãy luôn cải tiến để tạo ra giá trị cho người khác. Bạn quyết định số phận của mình, chứ không phải người khác quyết định.
Bạn không phải là người làm công ăn lương, bạn đích thực là “Chủ doanh nghiệp” của chính mình. Bạn hãy làm việc với tinh thần làm chủ cao nhất. Bạn đã, đang và sẽ làm việc cho chính mình.
Công ty chỉ là môi trường, là khách hàng để bạn tỏa sáng trí tuệ và tài năng của chính mình nhằm đem lại giá trị cho người khác.
Vì vậy, bạn hãy nhớ nguyên tắc: “Bạn làm việc cho chính mình”.
Đây là nguyên tắc tạo hạnh phúc cho bạn, gia đình bạn và cộng đồng của bạn.
Tôi kêu gọi, tôi và các bạn hãy cùng nhau thực hiện nguyên tắc này, dựa theo triết lý sau: “Đừng ai tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (1Cr10,24)
Chúc các bạn áp dụng thành công!
Trần Đình Cửu
0913.918.854