Bài 3: KAIZEN TƯƠNG THÍCH KỲ VỌNG CỦA NHÂN VIÊN TẠO GẮN KẾT

Thưa Anh Chị, hôm nay, Tôi viết về việc kaizen/cải tiến cách thức doanh nghiệp xác định các kỳ vọng của nhân viên và thực hiện đúng hoặc vượt trội các kỳ vọng đó. Khi doanh nghiệp thực hiện như vậy, nhân viên sẽ gắn kết, sẽ cống hiến hết trí tuệ và năng lực cho doanh nghiệp. Đó là điều rất tuyệt vời phải không Anh Chị?

Tác giả Tracy Maylett trong cuốn sách “The employee Experience” (Trải nghiệm của nhân viên) có chia sẻ 3 loại kỳ vọng:

1.Kỳ vọng “Cụ thể”: trong doanh nghiệp, những kỳ vọng này thể hiện ở trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động, các chính sách, các quy chế, các hướng dẫn, các thủ tục, các quy trình và các mục tiêu KPI mà doanh nghiệp giao cho nhân viên và đôi bên đã đồng thuận với nhau.

2. Kỳ vọng “Niềm tin”: ví dụ, trước khi xin việc, tôi nhìn thấy Sứ mạng – Tầm nhìn – Giá trị cốt lõi và Năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, làm tôi rất phấn khích, tự hào, bởi vì phù hợp với niềm tin của tôi. Ví dụ, sứ mạng doanh nghiệp đề cập “Mang lại sự hạnh phúc cho khách hàng và cộng đồng”. Tôi rất muốn thực hiện sứ mạng đó, tôi sẵn sàng tham gia vì tôi tin sứ mạng này phù hợp với niềm tin và khát vọng của tôi.

3. Kỳ vọng “Văn hóa”: kỳ vọng này liên quan nhiều đến tâm lý. Khi làm việc tại doanh nghiệp, tôi mong  muốn được mọi người tôn trọng, lắng nghe, kết nối, yêu thương nhau như trong một gia đình….. Đó chính là văn hóa doanh nghiệp, thường được thể hiện trong các Bộ quy tắc chỉ rõ những điều nên làm và những điều không nên làm.

Tóm lại có 3 loại kỳ vọng. Doanh nghiệp và nhân viên sẽ xác định, đồng thuận và tương thích đôi bên. Sau đó, trong thực tế, cả hai bên đều thực hiện đúng, thậm chí thực hiện vượt mong đợi, thì hai bên sẽ gắn kết với nhau.

Xin minh họa:

– Về Kỳ vọng “Cụ thể”, doanh nghiệp quy định: nếu tôi đạt được KPI, đạt được những thành tích A,B, C, … thì tôi sẽ nhận lương, thưởng ở mức XYZ , được thăng chức cao hơn một bậc hiện hành. Đến khi tôi thực hiện đạt được các KPI, các thành tích như thế, doanh nghiệp đã thực hiện đúng như thỏa thuận. Tôi hoàn toàn được trải nghiệm đúng, thậm chí doanh nghiệp còn làm tốt hơn, đối xử tốt hơn, tôi cảm thấy rất tuyệt vời và gắn kết với doanh nghiệp.

– Về Kỳ vọng “Niềm tin”, doanh nghiệp truyền đạt “Chúng ta phải trung thực với nhau”, nhưng tôi thấy Ban Lãnh đạo đối xử không trung thực. Hoặc “Chúng ta yêu thương tạo hạnh phúc cho khách hàng”, nhưng trong thực tế, mọi người hành xử không đúng như vậy. Lúc đó, tôi cảm thấy sốc, thất vọng và đương nhiên tôi sẽ không gắn kết với doanh nghiệp.

Thưa các Anh Chị, để các kỳ vọng hai bên tương thích với nhau tạo gắn kết, một điều rất quan trọng, cả hai bên phải thực hiện: “Nói đi đôi với làm”.

Vậy, Người sử dụng lao động và Người lao động cùng cam kết thực hiện đúng hoặc vượt trội các Kỳ vọng “Cụ thể”, “Niềm tin” và “Văn hóa” sẽ tạo ra sự gắn kết. Mọi người cùng nhau xây dựng và phát triển doanh nghiệp bền vững.

Chúc các Anh Chị thành công và phát triển!

Trần Đình Cửu.

Làm thế nào để chuyển đổi số nhanh & hiệu quả: Xem tại đây