Câu chuyện tại công đoạn sấy gỗ trong một công ty chuyên sản xuất nội thất (khoảng 500 người).
Giám đốc công ty lâu lắm rồi không xuống phân xưởng do quá bận công việc. Vào thời kỳ COVID, tháng 4/2020, đơn hàng giảm 46%. Giám đốc đã xuống phân xưởng đi thăm hỏi và động viên công nhân.
Ông đã hỏi công việc thế nào? Quản đốc cho biết công việc ít, mọi thứ đều kiểm soát tốt, nên không có vấn đề gì cả.
Khi đi đến công đoạn sấy, Giám đốc (GĐ) trao đổi với tổ trưởng (TT), nội dung như sau:
GĐ: “công việc sấy làm như thế nào?”.
TT: “Công đoạn sấy bao gồm các bước như sau: bước 1…, bước 2…., bước 3……”
GĐ: “Có cách nào làm tốt hơn không?”
TT: “Dạ có cách ạ, chúng ta có thể bớt đi 1 buồng sấy, như vậy tiết kiệm năng lượng 50%”.
GĐ: “Tốt quá! Nhưng hiện vẫn đang làm 2 buồng sấy! sao không làm theo cách cậu vừa nói”
TT: “Dạ không được ạ! vì theo định biên từ trên đưa xuống là 1 buồng sấy chỉ 1 công nhân. Nếu em dồn lại 1 buồng sấy, thì phải có 2 công nhân xếp hàng vào cho 2 chủng loại hàng khác nhau mới kịp ạ? Như thế vượt quá định biên?”
Sếp nghe đến đó, cứ tưởng là chuyện đùa, không thể tin vào mắt mình được? Tức tốc họp ngay tại hiện trường công đoạn sấy với những người có liên quan.
Các câu trả lời nhận được từ những người có liên quan đại loại như sau:
- Do sợ nhầm lẫn hàng nên để hai buồng sấy (mặc dù hình dạng phôi khác nhau)
- Do định biên nhân sự tính toán chi phí cho từng vị trí máy….
- Do lâu nay hàng nhiều phải 2 buồng mới giải quyết đủ năng suất (Công nhân thì cho rằng 1 buồng sấy thì vẫn đủ, chỉ thỉnh thoảng hàng quá nhiều mới cần 2 thôi)
- Lâu nay vẫn làm vậy mà Anh, chúng ta tính toán chi phí theo công thức dựng sẵn, mọi thứ vẫn ok …….
- ………………………………………………
Giám đốc hiểu ra vấn đề, hệ thống của công ty kiểm soát rất chặt chẽ, nhưng chỉ trên giấy tờ, xa rời hiện trường.
Chúng tôi bàn với Giám đốc, đã phát động chương trình cải tiến tại hiện trường: - Mọi cán bộ quản lý được phân công, hàng ngày đi xuống hiện trường của mình quan sát và tìm ra ít nhất 1 điều phải cải tiến.
- Định kỳ 1 tháng 1 lần, cán bộ quản lý đi sang công đoạn liền kế phía trước hoặc phía sau cùng quan sát với cán bộ quản lý tại đó để tìm cải tiến.
- Đi hiện trường, kỹ thuật quan sát và hỏi như sau:
- Các bước tại công đoạn này làm như thế nào?
- Có cách nào làm tốt hơn không?
- Nếu có, điều gì cản trở bạn không thực hiện nó?
- Nếu câu trả lời là không thì hỏi tiếp: Làm thế nào để bước công việc này (năng suất/ chất lượng/ tiến độ/ giảm chi phí…) tốt hơn?
Sau 2 tháng triển khai, công ty đã cắt giảm chi phí rất đáng kể, đó là những thứ có thể làm được ngay trong tầm tay của công ty.
Cải tiến hiện trường là “QỦA RẤT DỄ HÁI”, mọi người đều làm được.
Hãy thực hiện ngay các bạn nhé, đừng để tiền nó bay.
Hẹn gặp các Bạn câu chuyện “TIỀN BAY” ở tập kế tiếp.
Trân trọng.
Trần Đình Cửu.