Sai hỏng tàn phá doanh nghiệp

Sai hỏng là bất kỳ sự không phù hợp của sản phẩm, dịch vụ, quá trình hoặc một đầu ra của công việc nào đó so với mức chuẩn quy định (các mức chuẩn có thể là yêu cầu luật định, yêu cầu của khách hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật, các chuẩn mực thông số quá trình, …)

Mọi công ty đều có thể tạo ra sai hỏng, chỉ khác nhau về loại và mức độ sai hỏng. Các loại sai hỏng này tạo ra các tổn thất cho công ty, được gọi là chi phí chất lượng.

Thống kê về chi phí chất lượng do các sai hỏng gây ra trong công ty thường như sau: (trích bài giảng Quản lý chất lượng từ Dự án đào tạo tư vấn viên Việt Nam – do Samsung và Bộ Công thương tổ chức)

  • Chiếm 5% – 8% doanh thu, là các chi phí chất lượng có thể đo đếm, quan sát thấy được như: chi phí kiểm tra, phí sửa chữa, hàng hư phải loại bỏ, bảo hành, đổi trả, bù hàng, bán giảm giá, …
  • Chiếm 15% – 20% doanh thu, là các chi phí ẩn, khó đo đếm, khó quan sát được như: thiệt hại do giao hàng trễ, hạ cấp chất lượng, mất khách hàng, mất uy tín, mất thị trường, khủng hoảng truyền thông…

Có hai loại sai hỏng là sai hỏng bên trong và sai hỏng bên ngoài.

Từ hình trên ta thấy: Tổng sai hỏng = sai hỏng bên trong + sai hỏng bên ngoài.

Sai hỏng bên trong là những sai hỏng đã được mạng lưới KCS hay QC (Quality Control – kiểm soát chất lượng) kịp thời phát hiện, ngăn chặn và để lại trong công ty, không cho phép chuyển giao ra bên ngoài đến tay khách hàng.

Sai hỏng bên ngoài là những sai hỏng bị lọt lưới ra bên ngoài công ty và đã được chuyển giao đến khách hàng.

Ta phân tích sẽ phát hiện một số điểm cần chú ý sau đây:

  • Nếu mạng lưới KCS kiểm tra rất chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định thì phần sai hỏng bên ngoài sẽ ít đi. Bởi vì, rất nhiều sản phẩm hỏng đã được kịp thời phát hiện, được giữ lại trong công ty. Do đó, sai hỏng bên trong sẽ tăng lên. Nhưng tổng sai hỏng vẫn không thay đổi.
  • Nếu mạng lưới KCS hoạt động không tốt thì ngược lại, sai hỏng bên ngoài sẽ nhiều lên và sai hỏng bên trong sẽ ít đi, nhưng tổng sai hỏng vẫn không thay đổi.
  • Sai hỏng bên ngoài sẽ làm cho khách hàng khiếu nại hoặc bỏ đi. Việc này dẫn đến mất khách hàng. Đặc biệt hiện nay với sức mạnh internet, sự truyền thông cực kỳ nhanh chóng. Tiếng xấu sẽ lan tràn không khác gì một bệnh dịch theo cấp số nhân. Điều này dẫn đến công ty phá sản.
  • Sai hỏng bên trong sẽ buộc công ty phải sửa chữa, khắc phục, tái chế hoặc phải loại bỏ (phế phẩm). Điều này khiến cho công ty vi phạm các điều tối kỵ trong sản xuất kinh doanh là chi phí tăng, chất lượng giảm, giao hàng không đúng hạn, …Chưa kể còn gây ra các tác hại mất đoàn
    kết nội bộ trong công ty, do căn bệnh “đổ thừa” rất phổ biến mỗi khi có sự cố. Điều này cũng dẫn đến công ty phá sản.

Vậy nhiệm vụ ưu tiên của công ty là phải liên tục cải tiến (Kaizen) để giảm sai hỏng ngay tại nguồn phát sinh hoặc phòng tránh sai hỏng lặp lại, thì mới đảm bảo sự tồn tại.

Quy tắc 1:10:100

Quy tắc này mô tả tượng trưng mức tăng tổn thất chi phí chất lượng khi để lọt sai hỏng (trích bài giảng Quản lý chất lượng từ Dự án đào tạo tư vấn viên Việt Nam – do Samsung và Bộ Công thương tổ chức):

  • Nếu sai hỏng xảy ra mà được phát hiện và xử lý ngay tại nguồn thì chi phí chất lượng chỉ mất 1
    đồng.
  • Nếu sai hỏng bị lọt qua công đoạn kế tiếp thì chi phí chất lượng mất 10 đồng.
  • Nếu sai hỏng lọt tới khách hàng thì chi phí chất lượng mất 100 đồng.

Theo Tiến sĩ Deming: “94% các sai lỗi chất lượng là do vấn đề quản lý. Các vấn đề quản lý thì liên quan đến tiêu chuẩn. Nếu tiêu chuẩn được xây dựng đầy đủ, chính xác và được tuân thủ tốt thì hầu hết các vấn đề chất lượng sẽ được giải quyết”.

Như vậy, để hạn chế tối đa sai hỏng:

  • Cần xây dựng đầy đủ các tiêu chuẩn và hệ thống điều hành hiệu quả, như việc áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO.
  • Tăng năng lực kiểm soát ngay tại nguồn để hàng lỗi không lọt tới công đoạn sau, như việc đào tạo nâng cao năng lực vận hành, sửa chữa máy, kiểm tra chất lượng cho công nhân.
  • Tăng năng lực xử lý và cải tiến sai lỗi ngay khi xảy ra.
  • Xây dựng văn hóa: “HÀNG LỖI KHÔNG NHẬN – KHÔNG CHUYỂN ĐI”

Tóm lại sai hỏng đương nhiên phải xảy ra. Mọi người trong công ty từ nhân viên đến CEO đều có thể gây ra sai hỏng. Vì vậy, mọi người phải có trách nhiệm cải tiến công việc của mình để sai hỏng ngày càng ít. Các công ty có “đẳng cấp” quản lý khác nhau, sẽ tạo ra tổng sai hỏng khác nhau, dẫn đến mức độ thành công hoặc thất bại sẽ khác nhau.

Vậy hãy nhớ:

“Mọi người phải thực hiện Kaizen”.

Người có chức danh càng cao thì càng phải thực hiện và thúc đẩy việc áp dụng Kaizen thực sự. Trong đó, Lãnh đạo cao nhất đóng vai trò quan trọng nhất, với nhiệm vụ phải xây dựng và duy trì bằng được văn hóa Kaizen trong công ty. Đây là một yếu tố cốt lõi tạo thành công.

Chúc các bạn kaizen thành công!
Trần Đình Cửu

BÂY GIỜ KHÔNG NỖ LỰC KAIZEN, TƯƠNG LAI SẼ BẤT LỰC

Doanh nghiệp lớn không phải do nhiều vốn, mà do họ liên tục cải tiến, kaizen và sáng tạo để phục vụ khách hàng tốt hơn, khách hàng ngày càng nhiều và tài chính ngày càng thịnh vượng.

Chúc các bạn kaizen thành công!
Công ty TNHH Tư Vấn Trần Đình Cửu.

CẢI TIẾN KHÓ HAY DỄ?

Câu hỏi này được đặt ra đối với rất nhiều người. Đối với một số người thì cải tiến là điều dễ dàng, nhưng với số khác thì lại là điều khó khăn, thậm chí có người do thiếu tự tin và thừa tự ti nên luôn tự cho rằng mình không có khả năng cải tiến bất cứ điều gì !!!

Có bao giờ bạn vẽ hoàn thành một bức tranh với bàn tay mà trước giờ bạn chưa từng cầm bút? Nếu bạn không biết vẽ, thì bạn có tin rằng trong vòng 30 phút, tôi sẽ biến bạn thành một họa sĩ kỳ tài không?

Bài tập dưới đây (Theo “The Power of Creative Intelligence – Tony Buzan”) sẽ giúp bạn phát hiện ra năng lực tiềm ẩn của chính bạn, và nhờ đó sẽ thay đổi cách thức mà trước giờ bạn vẫn luôn suy nghĩ, học tập, làm việc … để rồi tự tin và mạnh dạn thực hiện các ý tưởng cải tiến và đột phá trong công việc và cuộc sống, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bạn hãy thực hiện theo hướng dẫn đơn giản sau đây:
Xác định đúng tọa độ của ô hình mẫu (A) và sao chép vào đúng tọa độ của ô giấy vẽ (B).

Ví dụ: 
– Góc phải trên của hình mẫu ghi 4C , bạn hãy sao chép vào giấy vẽ tại dòng 4 cột C
– Góc phải dưới của hình mẫu ghi 7F , bạn hãy sao chép vào giấy vẽ tại dòng 7 cột F
Và nhớ chỉ sử dụng bàn tay bạn chưa bao giờ cầm bút nhé.

Nào chúng ta bắt đầu. Hãy xem đồng hồ để biết bạn xuất phát lúc mấy giờ.

Lúc đầu bạn sẽ rất ngượng nghịu – đó là lẽ đương nhiên, vì đây là bàn tay trước giờ chưa từng cầm viết cơ mà ! – nhưng rồi bạn sẽ dần quen sau khi thao tác khoảng vài phút. Bạn không cần vẽ chính xác tuyệt đối, nhưng nên tập trung trong khi vẽ để tránh nhầm lẫn, và nếu tinh ý một chút, bạn sẽ thấy mối liên hệ giữa các ô với nhau.

Ngay sau khi hoàn thành tác phẩm, bạn hãy xem đồng hồ để biết kỷ lục mình vừa xác lập là bao nhiêu và ghi nhận kết quả vào phần trống của tác phẩm – cũng với bàn tay mỏi nhừ của bạn (nhớ ký và ghi tên tác giả để xác nhận thời khắc kỳ diệu này).

Và giờ đây, bạn hãy ngắm tác phẩm đầu tiên trong đời của bạn được hoàn tất theo cách thức lạ lùng nhất mà bạn có thể nghĩ ra, và hãy chia sẻ cảm nhận và niềm vui với bạn bè, người thân của bạn.

Hãy trả lời các câu hỏi sau:

  • Bạn có biết tác phẩm bạn vừa vẽ là hình của nhân vật nào không?
  • Cảm xúc của bạn sau khi hoàn thành tác phẩm là gì?
  • Bạn rút ra bài học gì qua bài tập trên?
  • Bạn có còn nghĩ rằng cải tiến là khó hay cải tiến là điều không thể không?

Sau đây là một số ý kiến của những người sau khi hoàn thành bài tập này:

  • Để hoàn thành công việc thì phải kiên nhẫn
  • Công việc nếu khó khăn hãy chia nhỏ ra thì sẽ giải quyết được
  • Tập trung làm đúng việc (xác định đúng tọa độ)
  • Trước khó sau dễ
  • Trong chuỗi công việc thì kết quả công việc của người trước/ công đoạn trước là đầu vào công việc của người kế tiếp/ công việc kế tiếp.

Trong hình vẽ vừa rồi, giữa các ô có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu bạn không cẩn thận khi liên kết những nét vẽ giữa các ô thì bức tranh sẽ không được như ý bạn mong muốn đâu.

  • Cần phải lật ngược vấn đề mới thấy được toàn cảnh.

Nếu bạn không xoay ngược bức tranh lại, thì bạn sẽ không nhận ra hình gì đâu!

  • Không gì là không thể!

Bạn hãy so sánh tác phẩm của bạn với bức chân dung tự họa của Leonadro Da Vinci và cho biết cảm tưởng của bạn thế nào nhé.

      Tác phẩm của bạn           Và …  Tác phẩm của Leonadro Da Vinci

Như vậy trong mỗi chúng ta luôn có sẵn tiềm năng cải tiến và đột phá, chỉ cần chú tâm và áp dụng một số phương pháp thì ta sẽ biến “cái không thể” thành “có thể”.

Chúc các Bạn kaizen thành công!
Trần Đình Cửu & Võ Công Triệu
ĐT: 0913918854